Chậm làm xe điện, cổ đông muốn truất quyền chủ tịch HĐQT Toyota

Ông Toyoda là cháu trai của người sáng lập Toyota Motor Corporation. Ông giữ chức chủ tịch kiêm Tổng giám đốc trong khoảng gần 14 năm, mới chỉ vừa từ chức Tổng giám đốc vào đầu năm nay. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục gắn bó với Toyota dưới cương vị chủ tịch hội đồng quản trị. Bằng sự lãnh đạo của ông, Toyota vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Họ lần đầu tiên đạt được danh hiệu này vào năm 2020.

Thế nhưng có vẻ những thành tựu trong quá khứ của ông Toyoda vẫn không cứu nổi vị thế của ông trong lòng một số cổ đông. Trong cuộc họp sáng ngày 14/6/2023, một số cổ đông của Toyota, chẳng hạn Văn phòng Kiểm soát viên New York (quản lý hệ thống hưu trí của New York) hoặc Hệ thống Hưu trí Công chức California (CalPERS), đang cùng nhau ủng hộ một biện pháp để phế truất ông Toyoda.

Lý do được đưa ra là vì cả ông Toyoda lẫn Toyota đều khá chậm chạp trong quá trình chuyển sang xe điện. Nếu tính về xe hybrid, Toyota đang có doanh số đứng đầu. Nhưng nếu tính về xe điện thuần túy, thì họ vẫn kém cỏi so với nhiều đối thủ khác, cả đối thủ cũ như Ford hoặc General Motors, lẫn đối thủ mới như Tesla hoặc BYD (Trung Quốc).

Ngoài ra, hai quỹ hưu trí này còn cho rằng hội đồng quản trị của Toyota không có đủ giám đốc độc lập. Đồng thời, họ cũng bỏ phiếu tán thành nghị quyết kêu gọi Toyota tiết lộ nhiều hơn về các hoạt động vận động hành lang của công ty đối với biến đổi khí hậu.

Mặc dù khả năng các cổ đông thành công là khá thấp, thế nhưng tờ Wall Street Journal lưu ý rằng đây là sự kiện rất đáng lưu ý, vì trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, việc này rất hiếm khi xảy ra.

Về phía công ty, người phát ngôn Toyota đưa ra tuyên bố bảo vệ ông Toyoda, khẳng định rằng ông đang tăng cường khả năng cạnh tranh của Toyota từ góc độ dài hạn.

Hồi năm ngoái, ông được đề cử vào hội đồng quản trị với 96% phiếu bầu.

Không giống các vị đồng nghiệp giám đốc của mình từ GM, Ford hay Tesla, ông Toyoda thể hiện quan điểm hoài nghi về xe điện trong những tháng cuối cùng nắm giữ vị trí CEO Toyota.

Tháng 12 năm ngoái, ông Toyoda phàn nàn rằng áp lực dư luận khiến các CEO phải đi theo hướng “xe điện là lựa chọn duy nhất”. Đến tháng 1 năm nay, Toyota thông báo ông Toyoda từ chức chủ tịch, nhường chỗ cho ông Koji Sato, lúc này đang là người đứng đầu dòng xe Lexus. Ở thời điểm đó, ông Toyoda nói rằng mình là một kẻ lạc hậu về số hóa, về xe điện và xe thông minh.

Ông Sato nhậm chức chủ tịch vào tháng 4. Ông nhanh chóng thông báo Toyota sẽ khẩn trương mở rộng sản xuất và phân phối xe điện, trước mắt là tung ra 10 mẫu xe mới vào năm 2026.

Bất chấp những điều này, các nhà đầu tư lo lắng rằng Toyota vẫn chưa thực sự quyết tâm chuyển đổi sang xe điện. Bằng chứng là công ty chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc chuyển hoàn toàn sang xe điện. Sự chậm chạp này sẽ khiến công ty không thể bắt kịp nhu cầu xe điện ngày càng tăng ở những thị trường lớn như Trung Quốc, đồng thời bỏ lỡ các khoản trợ cấp chuyển đổi xe điện ở Mỹ và EU.

Những lo ngại về chiến lược xe điện của Toyota là một phần trong cuộc khủng hoảng niềm tin đang diễn ra rộng khắp trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.

Đầu năm nay, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Các thương hiệu Nhật Bản dần mất đi vị thế tại thị trường nội địa Trung Quốc, nơi mà người tiêu dùng đổ xô sang xe điện, kể cả xe điện Tesla hay xe địa từ doanh nghiệp địa phương.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ đe dọa các công ty xe hơi Nhật Bản, mà châu Âu cũng đối mặt với nỗi lo tương tự. Đến năm 2025, xe điện cho Trung Quốc sản xuất có thể chiếm 15% thị trường châu Âu. Trong khi đó tỷ lệ này hồi năm ngoái là chưa đến 10%. Và như đa số các mặt hàng khác, yếu tố cạnh tranh nhất của xe điện Trung Quốc là giá cả.