Với việc bỏ phụ phí đơn hàng nhỏ, mức phí nhỏ nhưng gây khá nhiều sự khó chịu của khách hàng, liệu beFood có thể tìm được động  lực tăng trưởng mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ thị trường giao đồ ăn Việt Nam?

beFood “chơi đẹp”

Các đơn beFood có giá trị thấp được giảm phụ phí, so với trước đây. Ảnh: Be Group

Thông tin từ ứng dụng giao đồ ăn beFood cho biết, đơn vị này đã chính thức bỏ phụ phí đơn hàng nhỏ, khuyến khích khách lẻ đặt món có giá trị thấp. Theo đó, phụ phí giao đồ ăn trên nền tảng này có thể giảm đến 50%, trở thành một trong những đơn vị có mức phí thấp nhất thị trường hiện tại. 

Bỏ phụ phí đơn hàng nhỏ

Trước đây, khách hàng nói chung ngoài giá trị đơn hàng còn chi trả thêm các danh mục phụ cho đơn đặt đồ ăn gồm phí sử dụng nền tảng, phí đơn nhỏ… Tổng cộng, người mua có thể phải chi thêm đến 13.000 đồng mỗi đơn, chưa tính phí giao hàng và các phụ phí đặc biệt khác.

Nhưng, với chính sách mới này của beFood, các đơn giá trị cả trên và dưới 50.000 đồng đều được xử lý ngang nhau. Người dùng chỉ cần trả phụ phí xử lý đơn hàng khoảng 3.000-5.000 đồng (chưa bao gồm các mục phí đặc biệt khác).

Có thể thấy, chính sách mới áp dụng của beFood cũng góp phần đáp ứng, giải tỏa sự khó chịu của người dùng về tổng phí đặt hàng. Người dùng cũng không cần mất công gom đơn hay đặt dư món để tránh trả thêm phụ phí đơn như trước đây.

Ma trận phụ phí giao đồ ăn

Có thể nói, trong bối cảnh có quá nhiều những ứng dụng tiện ích ngày nay, có vẻ như con người ngày càng “lười” đi. Đôi khi, có hàng chục lựa chọn ăn uống tuyệt vời chỉ cách xa vài dãy nhà, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng bốn hoặc năm lần mỗi tuần. Điều này cùng đồng nghĩa với sự gia tăng một cách chóng mặt của các ứng dụng giao đồ ăn trên khắp thế giới. Theo một ước tính cho thấy, lĩnh vực giao đồ ăn toàn cầu đang tăng vọt lên mức dự kiến 365 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Nhờ công nghệ, người ta có thể di chuyển, giặt là, rửa xe hay nhận đồ ăn được giao đến tận nơi chỉ bằng một nút nhấn. Và đương nhiên, đang có một sự đánh đổi ngầm mà tất cả chúng ta đều chấp nhận với tư cách là người tiêu dùng khi sẵn sàng trả thêm một chút để có được sự tiện lợi khi giao hàng đến tận nhà.

Nhưng, trong khi người tiêu dùng đã đăng ký trả phí để được thuận tiện, thì hệ sinh thái giao đồ ăn lại đang thiếu đi sự khác biệt, kết hợp với một mạng lưới các khoản phí và phụ phí không rõ ràng và khó hiểu. Trong nỗ lực đạt được lợi nhuận, các ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu hiện nay đã tập trung đổi mới vào các cách mới để tính phí người tiêu dùng cho cùng một mặt hàng thay vì đổi mới trên các sản phẩm hoặc dịch vụ khác biệt.

Một số công ty đã chia nhỏ chi tiết đơn hàng tính phí trên trang ứng dụng của họ, một số khác cũng thu phí tương tự nhưng không liệt kê chi tiết. Hai khoản phí đầu tiên được liệt kê thường xuyên trên các ứng dụng là “phí giao hàng” và “phí dịch vụ”.

Theo các công ty, phí giao hàng giúp trang trải chi phí giao hàng. Phí giao hàng có thể dao động tùy theo nhu cầu, vị trí, số lượng tài xế giao hàng có sẵn và các yếu tố khác. Trong khi phí dịch vụ được tính vào chi phí hoạt động bao gồm duy trì hoạt động của ứng dụng, dịch vụ khách hàng, phí xử lý thẻ tín dụng, v.v. Phí dịch vụ có thể bắt đầu ở mức thấp, nhưng sẽ tăng lên dựa trên quy mô đơn đặt hàng.

Tiếp theo là một số khoản phí ít phổ biến hơn mà người dùng vẫn buộc phải trang trải đôi khi khá khó chịu, đó chính là “phí đơn hàng nhỏ”, áp dụng cho những đơn giao đồ ăn có giá trị thấp hơn quy định tối thiểu. Ví dụ như với các đơn hàng nhỏ ở Việt Nam thường là dưới 50.000 đồng và mức phí này dao động từ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/đơn.

Hành động nhỏ, chiến lược to

Trên thực tế, phụ phí “đơn hàng nhỏ” mà các ứng dụng giao đồ ăn đang áp dụng, thường khá nhỏ và không đáng kể. Tuy nhiên, đây lại là điều đôi khi gây ra những khó chịu không đáng có của người tiêu dùng.

Ví dụ, các nhân viên văn phòng gọi đồ ăn nhưng không cùng một địa điểm, tạo ra các đơn hàng nhỏ, khiến cho phụ phí bị tăng lên và điều đó khiến nhiều người có cảm giác ức chế khi buộc phải chấp nhận một là trả thêm tiền hoặc đổi địa điểm mua hàng.

Nhưng giờ đây, với động thái này của beFood, đã góp phần đáp ứng, giải tỏa những khó chịu không đáng có của khách hàng về tổng phí đặt hàng. Ngoài ra, việc bỏ phụ phí này của beFood không những khiến beFood tăng trưởng đơn hàng mà còn giúp các quán ăn địa phương có thêm nguồn khách lẻ, khắc phục tình trạng giảm đơn do ngại phụ phí.

Đây có thể được coi là một “hành động nhỏ trong chiến lược to” của beFood nhằm đáp ứng nhu cầu của 7 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng này.