Công ty thay hết sếp bằng… huấn luyện viên

Time Etc là một nền tảng trợ lý ảo. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về chỉ số gắn bó của người lao động, công ty này cũng suy nghĩ biện pháp cải thiện. Và cách họ làm khá khác biệt, đó là bắt đầu bằng việc hỏi thẳng xem nhân viên cần gì ở một người quản lý.

Các ý kiến mà nhân viên đưa ra bao gồm: phải là người biết đặt mục tiêu, phải đưa ra các phản hồi, cung cấp cơ hội phát triển cá nhân và sự nghiệp. Sau khi suy xét, công ty nhận thấy có vẻ như nhân viên đang cần một huấn luyện viên, hay vì một quản lý. Thế là họ đi đến quyết định thay toàn bộ quản lý bằng huấn luyện viên, với tỷ lệ 1 huấn luyện viên trên mỗi 6 nhân viên.

Nhiệm vụ của huấn luyện viên rất rõ ràng. Đó là hỗ trợ nhân viên làm việc năng suất nhất có thể và đạt nhiều thành tựu, mục tiêu hơn. Họ sẽ đưa ra các phản hồi và những lời hướng dẫn sát sao, khuyến khích nhân viên xác định thế mạnh, bảo đảm rằng nhân viên luôn có cơ hội huấn luyện và hỗ trợ để phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Giống như quản lý, huấn luyện viên cũng đóng vai trò đầu mối khi các vấn đề xuất hiện. Tuy nhiên thay vì chỉ đạo từ phía trên, huấn luyện viên tập trung vào việc trao quyền và hỗ trợ, để nhân viên tìm ra biện pháp giải quyết.

Bên cạnh giải pháp táo bạo này, Time Etc còn cố gắng khắc sâu văn hóa tự phát triển vào cách làm việc. Mỗi tháng, họ cho nhân viên tiền trợ cấp nhằm tham gia các khóa học hoặc mua các cuốn sách trên Udemy. Dĩ nhiên các huấn luyện viên cũng gợi ý những tài liệu hay ho để nhân viên học tập.

Đồng thời, Time Etc thường xuyên tổ chức các workshop, mời các chuyên gia bên ngoài tổ chức các lớp học với những chủ đề mà các huấn luyện viên cho rằng phù hợp với các nhân viên, chẳng hạn cách xây dựng sự tự tin, hoặc chánh niệm.

Việc đổi quản lý thành huấn luyện viên đem về cho Time Etc kết quả tích cực, cả về hiệu suất làm việc và độ gắn bó của nhân viên với công ty. Nhìn chung, tỷ lệ nhân viên nghỉ bệnh ít hơn, tỷ lệ nghỉ việc cũng giảm. Trong khi đó, hiệu suất công việc trong các mục tiêu chính được cải thiện 20%. Nếu theo thang đánh giá của Gallup, một đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp, thì mức độ gắn bó của nhân viên tại Time Etc đang thuộc diện top 1% trên toàn thế giới.

Thực ra kết quả này không quá bất ngờ. Bởi vì theo khảo sát của Inpulse trên 50.000 người lao động, thì cảm giác được tin tưởng và hỗ trợ chính là hai yếu tố giúp cải thiện chỉ số gắn bó của nhân viên nhiều nhất. Và Time Etc hoàn toàn có được điều này với các giải pháp của mình.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào họ cũng thuận buồm xuôi gió. Trên con đường khác biệt của mình, Time Etc cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, một huấn luyện viên cần sở hữu một bộ kỹ năng khác với một quản lý truyền thống. Do đó, Time Etc cần nỗ lực nhiều hơn để trang bị cho các huấn luyện viên những công cụ và kiến thức cần thiết. Đồng thời họ còn cần thời gian để thiết lập và duy trì ranh giới trong một môi trường không có quản lý.

Tuy nhiên theo chia sẻ từ công ty, vì các lợi ích nhận về lớn hơn nhiều so với khó khăn, do đó họ quyết định vẫn giữ nguyên mô hình này, không trở lại kiểu quản lý truyền thống.

Mở rộng ra trên toàn môi trường công sở, thì có lẽ đây là thời điểm mà doanh nghiệp cần quan tâm đến việc cải thiện mức độ gắn bó của nhân viên hơn bao giờ hết. Và để làm được điều này, doanh nghiệp cần hành động táo bạo. Khi doanh nghiệp cho người lao động thấy rằng mình tin tưởng họ, đầu tư để họ phát triển, cam kết hỗ trợ họ, thì đổi lại, doanh nghiệp sẽ nhận về kết quả làm việc cải thiện, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng lớn hơn.