“Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 thấp hơn các dự báo đã được nhiều tổ chức đưa ra trước đó.
Theo báo cáo, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh mẽ từ quý 3 năm 2022 và tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao dù đã có xu hướng hạ nhiệt.
Theo báo cáo, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.
Cùng với đó, tỷ giá tại Việt Nam đã có nhiều biến động mạnh từ cuối quý 3 năm 2022, đỉnh điểm là tháng 11 năm 2022.
Các doanh nghiệp nhập khẩu mở rộng dự trữ ngoại hối USD phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường “găm giữ” ngoại tệ để chờ đợi cơ hội bán với giá cao hơn.
Tuy nhiên, tỷ giá giữa đồng USD và VND đầu năm 2023 đã ổn định trở lại do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ giảm bền vững, khiến đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp, xung đột Nga – Ukraine và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là những thách thức của nền kinh tế trong phần còn lại của năm nay.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 thấp hơn các dự báo đã được các tổ chức đưa ra trước đó.
Cụ thể, tại kịch bản cơ sở, ông Việt cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 6%, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) bình quân của năm khoảng 4%. Kịch bản này thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ 0,5%; nhiều khả năng xảy ra, trong điều kiện các yếu tố bên ngoài (xung đột Nga – Ukraine, sự suy giảm kinh tế với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam) không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước. Chính sách tài chính – tiền tệ được điều hành linh hoạt, phù hợp. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định.
Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, CPI bình quân của năm khoảng 4,2%. Theo VEPR, kịch bản này ít khả năng xảy ra, nhưng cũng có thể khi kinh tế thế giới diễn biến tích cực, sự mở cửa của Trung Quốc tạo cú hích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Cuối cùng, ở kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,5%, CPI bình quân của năm khoảng 3,5%. Kịch bản này cũng ít có khả năng xảy ra, trừ trường hợp diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới trở nên phức tạp hơn.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có những cơ hội cho sự tăng trưởng. Đó là các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy kinh tế trong nước.
Ông Việt phân tích, cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam là các chính sách điều hành gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước. Nhiều ngành có điều kiện tăng cường xuất nhập khẩu trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư, và FTA tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.
Đáng lưu ý, báo cáo kinh tế của VEPR có điểm quan trọng vào tình hình doanh nghiệp. Theo đó, nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm, trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Bên cạnh đó, một phần tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra ngoài để hưởng lãi suất tiền USD cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.