Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, báo chí giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, đối tác và đến gần hơn với các cơ quan chức năng.
– Sự phát triển của doanh nghiệp có vai trò đóng góp không nhỏ của báo chí, trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?
Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp TP.HCM nói riêng luôn có sự đóng góp và đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Trước hết, báo chí là cơ quan truyền thông chính thống giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng, khách hàng hiểu về doanh nghiệp của mình, hiểu về các sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp đang muốn cung cấp ra thị trường.
Thứ hai, chúng tôi rất cần sự thấu hiểu của các đối tác. Thông qua các cơ quan báo chí sẽ giúp chúng tôi có được nhiều thông tin về các đối tác, để hợp tác với nhau trong vấn đề cung ứng nguyên liệu đầu vào, phối hợp trong công tác logistics, và công tác quảng bá truyền thông.
Thứ ba, trong quá trình hoạt động, chúng tôi rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ, cũng như hỗ trợ để các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn từ phía các cơ quan quản lý.
Một yếu tố nữa là doanh nghiệp cũng cần có những thông tin để gửi đến người lao động giúp người lao động hiểu và có niềm tin để gắn bó với doanh nghiệp. Từ đó, người lao động sẽ tận tâm cống hiến cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất cũng như hiệu quả lao động.
– Theo ông, báo chí hôm nay đã làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, đặc biệt là trong việc phản biện chính sách liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp?
Ở thời điểm hiện nay, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thị trường, công đồng doanh nghiệp rất cần các cơ quan báo chí phản ánh, chuyển tải những thông tin, những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp đến với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chẳng hạn, doanh nghiệp đang rất mong chờ báo chí phản ảnh những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu hiện nay do nhu cầu của thế giới sụt giảm. Cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề kích cầu tiêu dùng trong nước.
Những phản ảnh đó của báo chí sẽ tác động đến các cơ quan quản lý để Nhà nước có những chính hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế VAT, giảm lãi suất và đẩy nhanh việc hoàn thuế xuất khẩu để doanh nghiệp cải thiện dòng tiền…
Còn trong điều kiện bình thường, khi các cơ quan quản lý ban hành các cơ chế, chính sách, các thông tư, nghị định mới để phục vụ cho nhu cầu quản lý Nhà nước, thì thông qua báo chí, chúng tôi sẽ được lấy ý kiến và có một kênh để phản hồi ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị ban hành. Qu đó, các văn bản pháp quy luôn mang hơi thở của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
– Theo ông, trong thời gian tới, dưới góc độ doanh nghiệp ông kỳ vọng ra sao đối với các cơ quan báo chí?
Trong thời gian tới, chúng tôi rất cần báo chí gần gũi và thấu hiểu doanh nghiệp nhiều hơn, đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực ngành nghề. Bởi từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp lại có những đặc thù riêng.
Do đó, chúng tôi mong, báo chí sẽ nâng cao hơn nữa nghiệp vụ về mặt kinh tế. Qua đó, thấu hiểu những đặc thù, đặc điểm kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là thấu hiểu cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta hiện nay phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên rất cần nhiều nguồn lực để phát triển.
Bên cạnh đó, khi đặt ra một vấn đề nào, báo chí cần phải nhìn vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau, về phía doanh nghiệp, về phía đối tác, về phía các cơ quan quản lý để nhìn vấn đề một cách toàn diện, nhằm thấy rõ được đâu là những thuận lợi, khó khăn để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn báo chí quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc truyền thông, quảng bá giới thiệu doanh nghiệp đến với xã hội để giúp xã hội đồng cảm với doanh nghiệp. Về phần mình, chúng tôi cũng phải soi rọi lại mình để điều chỉnh và hoàn thiện những mặt chưa tốt từ phản ánh của báo chí để phát triển và phụng sự xã hội tốt hơn.
– Nhân đây, ông có những kiến nghị gì gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của năm 2023?
Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do bị tác động bởi sự sụt giảm nhu cầu của thế giới dẫn đến xuất khẩu các ngành chủ lực đều giảm.
Do đó, thông qua các cơ quan báo chí, chúng tôi kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét, hỗ trợ trước mắt là dòng tiền cho vốn lưu động. Tiếp đến là có thể xem xét giãn, hoãn và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ. Hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tư vấn, kỹ thuật cũng như các chính sách vốn tín dụng xanh để giúp doanh nghiệp có thể đầu tư chuyển đổi quy trình, cũng như công nghệ sản xuất theo hướng xanh hóa để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường.
Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại để mở thị trường mới, trong điều kiện cầu thế giới lẫn trong nước đều giảm. Những thị trường mà trước đây chúng ta chưa quan tâm đúng mức như thị trường Nam Mỹ, thị trường các quốc gia hồi giáo ở Trung Đông hoặc thị trường Ấn Độ.
– Xin cảm ơn ông!