Theo ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng Giám đốc Amata City Hạ Long: Trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, Amata Quảng Ninh đã cho thuê lại gần 12 ha đất cho các dự án đầu tư sắp tới của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, cơ khí…
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề “Đóng góp vào sự phát triển bền vững của hai nước Việt Nam – Nhật Bản” đã có 4 nhà đầu tư thuê đất tại Amata nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Được biết, 4 dự án bao gồm Castem, Parts Seiko, Fujix và Tamagawa với tổng vốn đầu tư lên tới 80 triệu USD.
Theo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã được chào đón đến tham quan và tìm hiểu thêm về các dự án của Amata. Với vị trí đắc địa và kết nối giao thông thuận tiện thông qua các tuyến đường cao tốc, cơ sở hạ tầng và tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, ưu đãi thuế cao nhất tại các khu kinh tế, Amata rất kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều đối tác đầu tư tại Nhật Bản hơn trong tương lai.
Được biết, Nhật Bản là nhóm nhà đầu tư FDI chủ chốt tại Amata Biên Hòa (chiếm 40% trên tổng số các nhà đầu tư), đồng thời cũng là một trong những nhóm khách hàng mục tiêu thu hút FDI chính của KCN Amata Hạ Long từ những năm đầu đi vào hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, Amata Quảng Ninh đã cho thuê lại gần 12ha đất cho các dự án đầu tư sắp tới của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, cơ khí… Với vị trí đắc địa và kết nối giao thông thuận tiện thông qua các tuyến đường cao tốc, cơ sở hạ tầng và tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, ưu đãi thuế cao nhất tại các khu kinh tế, Amata rất kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều đối tác đầu tư tại Nhật Bản hơn trong tương lai.
Được biết, trong những tháng cuối năm, các dự án khu công nghiệp của AMATA từ Đồng Nai đến Quảng Ninh liên tiếp đón nhận nhiều tin vui từ các nhà đầu tư đa quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… Chỉ trong cùng ngày 5/10/2023, AMATA City Long Thành (Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành) và AMATA City Hạ Long (Khu công nghiệp Sông Khoai) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều dự án đầu tư mới vào địa phương.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD chiếm 20,52% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất điện, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông, lâm, ngư nghiệp và hoạt động tư vấn quản lý. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 dự án ODA đang triển khai thực hiện, trong đó có Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 3.293 tỷ đồng.
Ông Soichi Inoue, Tổng Giám đốc Công ty Marubeni Việt Nam, một trong các đơn vị đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh có nhiều hạ tầng hoàn thiện như tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay quốc tế Vân Đồn với Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt, các vấn đề về thủ tục hành chính là điều doanh nghiệp rất băn khoăn nhưng Quảng Ninh lại thực hiện rất tốt, nhanh chóng, hỗ trợ tối đa khiến doanh nghiệp càng thêm yên tâm, tin tưởng. Trong thời gian tới, đơn vị mong muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực biết tiếng Nhật để có thể tuyển dụng vào đơn vị làm việc.
Về lĩnh vực thương mại, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh (sau Trung Quốc), trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Hàng may mặc, hàng dệt may, linh kiện thiết bị điện tử (màn hình tivi), kim loại, than đá… Mặt hàng nhập khẩu chính từ Nhật Bản là: Nguyên liệu may mặc, dệt may, linh kiện điện tử, hàng gia dụng… Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp có trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu thường xuyên với thị trường Nhật Bản.
Thời gian tới, Quảng Ninh cam kết ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió.
Đồng thời sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả các nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm; cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.