Ông Andrew Goledzinowski – Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: Úc cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh với Việt Nam. Chính phủ Úc đã công bố gói viện trợ trị giá 105 triệu đô Úc hỗ trợ quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững và đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Trong triển vọng ổn định ngành năng lượng, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi tập trung vào mục tiêu dài hạn để đạt được mức thải ròng bằng 0. Kế hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia năm 2023 nhấn mạnh việc phát triển các nguồn điện và mở rộng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Nhằm mở đường đưa doanh nghiệp Úc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, Asialink và Trung tâm Climateworks của trường đại học Monash, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã triển khai chương trình Kinh tế xanh Úc – Việt Nam. Sáng kiến mới này nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế xanh giữa Chính phủ, doanh nghiệp hai nước, tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Bà Anna Skarbek – Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks cho biết: môi trường chính sách thuận lợi đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế xanh. Chương trình cung cấp thông tin cho việc ra quyết định và tạo các diễn đàn đối thoại nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, huy động tài chính, tăng cường hợp tác về kỹ năng và đổi mới.
Còn theo bà Trang Nguyễn – Giám đốc Trung tâm Climateworks khu vực Đông Nam Á: sự toàn diện của chuỗi cung ứng chính là cốt lõi để sản xuất năng lượng sạch và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nuôi dưỡng nền kinh tế xanh. Trong đó, Việt Nam được xem là quốc gia dẫn đầu trong khu vực.
Báo cáo mới nhất do Trung tâm Climateworks thực hiện nhấn mạnh: nhu cầu toàn cầu về năng lượng mặt trời, gió, lưu trữ năng lượng, chất bán dẫn và hydro đang tăng cao, báo trước một kỷ nguyên mới về đầu tư vào công nghệ khử carbon. Việt Nam có tiềm năng rất lớn sản xuất và xuất khẩu công nghệ khử carbon. Cùng với các kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, các doanh nghiệp Úc nên bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia vào kỷ nguyên khử carbon.
Báo cáo cũng thông tin: việc điều chỉnh chính sách và các biện pháp quản lý đang khiến đầu tư khu vực vào Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Kế hoạch Chuyển đổi năng lượng công trị giá 15,5 tỷ USD đã thể hiện vai trò quan trọng của đầu tư tư nhân.
Bà Trang Nguyễn cho biết thêm: “Những nỗ lực của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đơn cử như Úc, cùng với vai trò tích cực của khối tư nhân trong việc mở rộng đầu tư xanh đóng một vai trò không thể thiếu trong hành trình hướng tới cơ sở hạ tầng năng lượng xanh và bền bỉ của Việt Nam.
Việc mở rộng hợp tác với Việt Nam để cùng định rõ các lĩnh vực chính của thương mại công nghệ carbon thấp và hợp tác FDI phù hợp với các ưu tiên trong mục tiêu phát triển và thương mại của Chính phủ Úc. Điều này có thể tạo nên tiền đề cho việc phát triển chiến lược thúc đẩy xuất khẩu tích hợp mang tính chiến lược ở cấp quốc gia.