Nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 30 năm phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam (1993-2023), sáng 27/11, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm có chủ đề “Thay đổi – Bất biến”. Đại diện lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ qua các thời kỳ đã tự hào nhìn lại chặng đường hình thành, phát triển; truyền lửa nhiệt huyết và đam mê để các thế hệ doanh nhân Việt Nam chung sức hiện thực hoá khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Dấn thân và phát triển
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh, phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam được phát động khi đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, môi trường đầu tư kinh doanh bắt đầu được xây dựng. Từ số lượng thành viên ban đầu ít ỏi, đến nay doanh nhân trẻ Việt Nam đã quy tụ 19.000 hội viên, không chỉ đồng hành cùng sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn gánh vác trọng trách xây dựng, tạo động lực, lan toả để cộng đồng cùng gắn kết, phát triển.
Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV chia sẻ: cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam có tính hội nhập và chủ động rất cao. Chưa có quốc gia nào ở châu Á có tổ chức mô hình doanh nghiệp trẻ bài bản từ trung ương xuống các tỉnh, thành như tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo những nguồn lực lớn và tập trung để doanh nhân trẻ có cơ hội tham gia đóng góp tiếng nói vào các hoạt động của đất nước, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp…
Những năm đầu thời kỳ đổi mới và hội nhập, theo ông Mai Hữu Tín, doanh nghiệp trẻ Việt Nam ra biển lớn với tâm thức học hỏi kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã có những tiến bước dài và nâng cao vai trò, vị thế của mình. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm làm ăn, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia cuộc chơi khu vực và toàn cầu; có tiếng nói để có nhiều đóng góp hơn trong việc hình thành chính sách trong khu vực và toàn cầu.
Với tâm thức mới như vậy, ông Mai Hữu Tín tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trẻ có nhiều cơ hội để thực hiện công việc to lớn hơn. Hội nhập tốt, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng “ngôn ngữ chung” trên sân chơi chung, cùng tham gia và dẫn dắt cuộc chơi chung toàn cầu như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
Truyền lửa nhiệt huyết
Nhìn lại chặng đường 3 thập kỷ phát triển, các “thủ lĩnh” của phong trào Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nhấn mạnh những dấu ấn riêng, nhất là tư duy của thế hệ doanh nhân trong từng thời kỳ thay đổi để thích nghi với sự biến đổi của đất nước, của thế giới. Bước vào thời kỳ phát triển mới của phong trào Doanh nhân trẻ cũng là thời điểm đất nước và thế giới đứng trước bước chuyển mới, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá đầu tiên nhấn mạnh: tôi có niềm tin đây là thời khắc để Việt Nam toả sáng.
25 năm trước, theo ông Trương Gia Bình, doanh nghiệp Việt Nam thiếu nhân lực, công nghệ và tiềm lực kinh tế. Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khát vọng và ý chí. Tuy nhiên, 25 năm sau, Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một nửa trong số đó là kỹ sư phần mềm.
Việt Nam đang được nhiều nước lựa chọn để trở thành công xưởng công nghệ mới của thế giới. Vấn đề quan trọng nhất là doanh nhân Việt cần làm gì? “Chúng ta cần ngồi xuống để bàn bạc, cùng nhau gánh vác và tiên phong trong công nghệ, chuẩn bị nguồn nhân lực lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, AI…” – ông Trương Gia Bình cho hay
Còn theo ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá II cho rằng, doanh nhân trẻ không ngừng khát vọng để từng ngày, cố gắng để vươn ra toàn cầu, tận dụng lợi thế của nền kinh tế năng động, dân số đông với chỉ số nguồn nhân lực tốt.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với 3 thế hệ luôn mang trong mình khát khao cống hiến, cần được doanh nhân Việt Nam kết nối. Với cộng đồng doanh nhân chung tầm nhìn, chung hành động sẽ cùng nhau hình thành và tạo chuỗi sản phẩm trong nước, khu vực và quốc tế. Mỗi doanh nhân cùng đóng góp từng viên gạch cho Việt Nam hùng cường.
Đồng quan điểm, ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh: tuy chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng đây là những thời khắc để Việt Nam toả sáng khi vị thế, vai trò của Việt Nam và các doanh nhân đã thay đổi. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn gia tăng xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá vào các thị trường lớn như Mỹ.
Tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới dự báo tiếp tục gia tăng, nhất là sản phẩm dịch vụ có hàm lượng giá trị chất xám cao. Theo ông Mai Hữu Tín, doanh nhân phải có niềm tin có thể thực hiện công việc lớn hơn. Chữ “trẻ” trong doanh nhân trẻ không nên gắn với tuổi tác mà gắn với lửa nhiệt huyết để có niềm tin, động lực thực hiện công việc lớn lao.