Phương án nói trên do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh chủ trì, sau khi đơn vị này được trả lại quyền quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long từ UBND TP.Hạ Long.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp thay thế tàu gỗ bằng tàu vỏ thép, nhằm nâng điều kiện an toàn, tăng khả năng ngăn ngừa ô nhiễm từ nước từ dầu thải. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến 2030 thay thế 100% tàu vỏ gỗ bằng vỏ thép.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, địa phương cũng khuyến khích thay thế từ 2 tàu trở lên bằng 1 tàu có trọng tải lớn hơn, nhằm tăng điều kiện an toàn, tiện nghi, tăng tổng trọng tải đội tàu để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh sẽ từng bước giảm số lượng tàu cũ hiện có (508 phương tiện) và bổ sung tàu mới có chất lượng dịch vụ cao hơn, kiểu dáng kiến trúc đẹp trên vịnh Hạ Long, tạo thương hiệu du lịch Quảng Ninh, tạo sức hút, cạnh tranh các tỉnh lân cận và trong khu vực.
Đối với tàu đóng mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành quy định mở rộng diện tích phương tiện, tăng tiện nghi, tối thiểu 1,4 m2/khách. Các tàu bố trí thêm không gian cho các dịch vụ khác (bar, sảnh ngắm cảnh...); lắp đặt các trang thiết bị chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn từ 5 sao trở lên đối với tàu lưu trú, tàu nhà hàng…
Với việc làm mới đội tàu du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng tung ra các sản phẩm du lịch xuyên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Cụ thể, 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long, gồm:
Hành trình 1: các điểm tham quan trên tuyến 4 thuộc Vịnh Hạ Long (Cảng tàu - hang Cỏ (Thiên Cảnh Sơn) - hang Thầy - hang Cạp La - Vông Viêng - khu sinh thái Tùng Áng - đảo Cống Đỏ - công viên Hòn Xếp) - Vân Đồn (đảo Thắng Lợi - đảo Ngọc Vừng - đảo Quan Lạn - đảo Minh Châu).
Hành trình 2: các điểm tham quan trên tuyến 4 thuộc Vịnh Hạ Long - Vân Đồn (đảo Bản Sen - hang Nhà Trò).
Hành trình 3: các điểm tham quan trên tuyến 4 thuộc Vịnh Hạ Long - Cẩm Phả (Hòn Đũa - Vũng Đục - đảo Ông Cụ - Đảo Rều - Cửa Ông).