2 bệnh viện cấp chuyên sâu điểm cao điểm nhất
Theo đó, tính đến ngày 31.12.2024, trên địa bàn TP.HCM có 52 bệnh viện công lập, 70 bệnh viện tư nhân, 4 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú và 3 bệnh viện trực thuộc ngành (tổng cộng 129 đơn vị).
Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức hội đồng xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện, trung tâm y tế trên theo đúng hướng dẫn của Nghị định số 96 ngày 30.12.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Qua kết quả họp đội đồng, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quyết định xếp cấp chuyên môn kỹ thuật cho 30 bệnh viện đạt cấp chuyên sâu (hầu hết là các bệnh viện hạng 1 trước đây).
Trong các bệnh viện được xếp cấp chuyên sâu về chuyên môn kỹ thuật thì Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhân dân Gia định được chấm điểm với số điểm cao nhất (đều 85 điểm/100). Tiếp theo là Bệnh viện Bình Dân (82 điểm); Bệnh viện Mắt (80 điểm). Chỉ có 2 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Tâm Anh và Bệnh viện Mỹ Đức được xếp cấp chuyên sâu.
Có 99 bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh nội trú được xếp cấp cơ bản.
Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, đối với các cơ sở khám chữa bệnh không có điều trị nội trú, trạm y tế xã, nhà hộ sinh và phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh được xếp cấp khám chữa bệnh ban đầu.
Cấp chuyên sâu, cấp cơ bản, cấp khám chữa bệnh ban đầu khác nhau ra sao?
Khoản 1, điều 104 của luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định có 3 cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh.
Theo đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Cấp khám chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề.
Cấp khám chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám chữa bệnh.
Khoản 2 của điều 104 cũng quy định, các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh được tổ chức bảo đảm tính liên tục, liên thông trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo tình trạng, mức độ bệnh và bảo đảm các nguyên tắc.
Cụ thể, một cơ sở khám chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn kỹ thuật.
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cả 3 cấp chuyên môn kỹ thuật thì được xếp vào cấp chuyên sâu. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cấp ban đầu và cấp cơ bản thì được xếp vào cấp cơ bản.
Cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp nào phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ của cấp đó và được thực hiện kỹ thuật chuyên môn của cấp khác nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thực hiện nhiệm vụ của cấp chuyên môn kỹ thuật khác phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ.
Khoản 3 của điều 104 cũng quy định, cơ sở khám chữa bệnh được xếp vào cấp chuyên môn kỹ thuật theo các tiêu chí, gồm: Năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn; năng lực tham gia đào tạo thực hành y khoa; năng lực tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở khám chữa bệnh khác; năng lực nghiên cứu khoa học về y học.