Phát triển đột phá tại các doanh nghiệp công nghệ số đều được khởi nguồn từ các chiến lược đầu tư bài bản để làm chủ công nghệ.
Nâng cao năng lực cốt lõi
Từ nhiều năm qua, trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn Viettel luôn xác định đầu tư nguồn lực để làm chủ thiết kế, làm chủ chất lượng hệ thống, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ sản xuất.
Nhờ vậy, trong quá trình hợp tác với các “ông lớn” công nghệ thế giới như Qualcomm, Intel, Nvidia... Viettel không bị phụ thuộc. Trái lại, tập đoàn tranh thủ tận dụng năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến của đối tác để đẩy nhanh quá trình R&D, chủ động lựa chọn công nghệ phù hợp.
Với cách làm bài bản, Viettel đã sớm đạt được nhiều thành công. Trong đó, ghi dấu nhất là việc sớm làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, hiện nay các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE. Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced; tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng với cách làm bài bản và căn cơ, FPT đã trở thành doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu trong xuất khẩu phần mềm.
Ngoài các yếu tố khách quan, thành công của FPT còn đến từ việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ, có lợi thế ngoại ngữ để nhanh chóng thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, gia tăng giá trị xuất khẩu cũng như thích ứng hiệu quả với lĩnh vực kinh doanh mới, có tăng trưởng rất nhanh như chuyển đổi số. Đó cũng là lý do FPT có cơ hội hợp tác chuyển đổi số với các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, mang về doanh thu tỷ USD từ thị trường nước ngoài.
Tự tin cam kết bứt phá
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đang lớn mạnh không ngừng. Không chỉ Viettel hay FPT, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ, hạ tầng, nhân lực giàu kinh nghiệm ngày càng nhiều. Đây chính là một trong những lực lượng tiên phong tiến vào kỷ nguyên mới, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đề ra.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, khi đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về công nghệ thông tin, Việt Nam cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
Không chỉ đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, Nghị quyết 57 còn đưa ra những chính sách đột phá tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Điển hình như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…
Thực hiện Nghị quyết 57, FPT đưa ra 8 chương trình hành động với 3 điều cam kết. Đó là, tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đầu tư về nhân lực với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin sang lĩnh vực AI và đầu tư vào hạ tầng.
Các doanh nghiệp khác như VNPT, CMC, Vietjet, Misa… đã cam kết đầu tư và làm chủ mô hình, công nghệ hiện đại như mô hình GenAI Make in Viet Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, thông tin, dữ liệu; đầu tư Trung tâm điện toán đám mây quy mô 80MW hoàn toàn do Việt Nam làm chủ; công nghệ Blockchain - nền tảng quan trọng của nền kinh tế số hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) AI…
Để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch - Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đề xuất Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới.
Cùng với đó, triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư. Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam cũng rất quan trọng nhằm thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...