Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phát hiện sớm và điều trị cho bệnh nhi (1 ngày tuổi, trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An) mắc bệnh lý hạ đường huyết dai dẳng ở trẻ sơ sinh.
Bệnh nhi được sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh là 2.200gram. Sau sinh, bệnh nhi khóc ngay, tự thở, phản xạ khá.
Tuy nhiên, 7 giờ sau sinh, bệnh nhi xuất hiện tím tái, bú kém, phản xạ chậm. Bệnh nhi ngay lập tức được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh để điều trị với chẩn đoán suy hô hấp của trẻ sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, hạ đường huyết.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xử trí các tình trạng cần cấp cứu, điều chỉnh đường huyết bằng cách duy trì dịch truyền có nồng độ và tốc độ cao, hỗ trợ bú mẹ, điều trị nguyên nhân.
Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định, đường huyết bình thường, tự thở, bú khá, lên cân tốt và được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trúc, Khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết có nghĩa là lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương não của bé, nặng hơn có thể bị tử vong. Những trẻ có nguy cơ hạ đường huyết là trẻ được sinh ra từ người mẹ bị bệnh đái tháo đường; trẻ cân nặng khi sinh; cân nặng thấp hơn so với tuổi thai; đẻ non.
Đối với trẻ sơ sinh nên cho bú sớm ngay sau đẻ để phòng tránh hạ đường huyết. Với những trẻ sinh ra quá nhẹ cân, cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay sau đẻ để chống hạ thân nhiệt. Riêng đối với bà mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường, cần phải có chế độ ăn hết sức nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ trước trong và sau khi sinh. Bên cạnh đó, việc đi khám định kỳ sẽ giúp sản phụ cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn cho bé, đồng thời có thể phòng tránh một số bệnh không mong muốn cho sản phụ.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...