Trả lời việc này, thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết cách đây hơn 3 tháng, lực lượng CSGT tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe quá khổ, xe cồng kềnh.
Theo thống kê, trong hơn 3 tháng, lực lượng CSGT phát hiện hơn 17.700 phương tiện vi phạm, trong đó có 1.716 xe ba bánh, 37 xe thí điểm, 159 xe chở rác dân lập, còn lại là xe mô tô vi phạm.
Trong các lỗi vi phạm, có hơn 6.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, 5.000 trường hợp vi phạm kéo theo vật khác, 2.500 trường hợp không đảm bảo an toàn kỹ thuật như không có thắng, còi, đèn, gương chiếu hậu…
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan các loại phương tiện này, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Nêu khó khăn trong việc xử lý loại phương tiện này, thượng tá Long cho hay, tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt của số phương tiện này khá thấp, chủ phương tiện bỏ lại xe tự chế, không nộp phạt. Chính điều này gây khó khăn, áp lực đối với kho bãi tạm giữ.
Về biện pháp chấn chỉnh, đại diện Công an TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông, trong đó tiếp tục tập trung xử lý xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Thượng tá Long thông tin thêm, Công an TP.HCM tiếp tục phối hợp các sở, ngành có liên quan, nhất là Sở LĐ-TB-XH tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, không sử dụng phương tiện mất an toàn kỹ thuật làm phương tiện sinh kế.