Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ông Cương nêu thực tế, sau 10 năm, thói quen đọc sách của người Việt rất ít tiến triển dù lượng sách phát hành năm sau cao hơn năm trước.
Ông Cương dẫn một khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 quyển là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 quyển sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
"Đây là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ", ông Cương nhìn nhận. Theo ông, một phần nguyên nhân là do các bạn trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí, trong đó có đọc sách cũng bị hạn chế.
"Mặt khác, trong thời đại ngày nay, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng", ông Cương nói.
Do vậy, tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kêu gọi các cấp lãnh đạo, các tổ chức và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài cho đất nước, cho Thủ đô.
Bà Phạm Thị Diễm, Phó chủ tịch UBND Q.Ba Đình, chia sẻ nhiều nhiệm vụ trọng tâm mà quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới để phát triển văn hóa đọc. Như việc thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng; phát động học sinh, nhân dân tổ chức góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường khó khăn.
Cũng theo bà Diễm, UBND quận sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định: "UNESCO sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ Việt Nam và TP.Hà Nội trong hành trình biến học tập suốt đời trở thành hiện thực cho tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, hoàn cảnh và địa vị nào".