Chiều 18.10, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2025 của 17 môn kèm đáp án. Trong đó, đề thi môn ngữ văn thu hút sự chú ý của dư luận khi không xuất hiện bất kỳ tác phẩm nào trong những bộ sách giáo khoa hiện hành, có cách ra đề mới mẻ so với đề thi của chương trình cũ với nhiều câu lệnh mới, như yêu cầu viết nghị luận trong 600 chữ ở câu hỏi nhiều điểm nhất thay vì cho phép tự do "múa bút".
Đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2025 "lột xác hoàn toàn"
Nguyễn Văn Thủ, học sinh lớp 12 Trường THPT Tầm Vu (Hậu Giang), nhận xét đề thi tham khảo môn ngữ văn "khá khó và có sự phân hóa cao". Đó là vì ngay từ câu 3, người học đã phải chỉ ra hiệu quả của một thủ pháp nghệ thuật, thay vì "mở màn" với các câu hỏi về biện pháp tu từ, thể loại, tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong một câu cụ thể như trước đây. "Điều này khiến các bạn dễ bị rối khi đọc đề", nam sinh nói.
Trong khi đó, ở phần viết, Thủ nói dù đề bài yêu cầu bám vào ngữ liệu đoạn trích nhưng câu hỏi yêu cầu phân tích hình ảnh Hà Nội vẫn không hề dễ với những ai chưa từng đến thủ đô để cảm nhận không khí và đường phố. Điều này khiến các bạn khó lòng viết nên những dòng văn hay, có cảm xúc. "Với câu 2, trí tuệ nhân tạo tuy sát thực tế nhưng tụi em sẽ dễ chia sẻ quan điểm hơn nếu câu hỏi đề cập tới vấn đề của người trẻ", Thủ nói.
Thủ cũng nói thêm đây là lần đầu tiên em thấy yêu cầu về viết đoạn văn 200 chữ, trong khi yêu cầu viết 600 chữ đã được thầy cô thông báo từ lâu. Thủ cũng ủng hộ việc yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội trong 600 chữ, bởi khó có thể đưa nhiều ý trong một bài nghị luận văn học chỉ 600 chữ. "Em thấy đề dễ thở hơn nhiều", nam sinh chia sẻ và cho biết thêm việc lập dàn ý trước khi làm bài dường như là điều bắt buộc với đề này.
"Nhìn chung, em nghĩ đề phân hóa khá cao, có tính thực tế nhưng chưa bám theo chương trình học của sách giáo khoa khi phần viết chưa có nội dung so sánh hai tác phẩm", Thủ nêu góc nhìn. Cũng theo nam sinh, dung lượng 600 chữ sẽ không thể lấp đầy 3 mặt giấy, thế nên từ năm 2025 trở đi sẽ không còn vụ việc một thí sinh viết đến 12 trang giấy như trước kia.
Một học sinh lớp 12 Trường THPT Bạch Đằng (Hải Phòng) thì đánh giá đề ngữ văn từ năm 2025 là một sự "phá cách, lột xác hoàn toàn". Ở phần đọc hiểu, thay vì hỏi thể thơ như mọi khi, đề yêu cầu thí sinh phải xác định dấu hiệu của thể thơ. Đây là một câu lệnh rất mới và yêu cầu học sinh phải có cách trả lời mới, nam sinh này nhìn nhận. "Tuy nhiên, em không quá lo vì rồi sẽ được thầy cô chỉ dạy", nam sinh nói.
Lo ngại bị trừ điểm ở phần viết
Nam sinh này cho biết thêm, câu 1 ở phần viết sẽ gây khó cho những bạn không thể xác định yêu cầu của đề. Tuy nhiên, với những ai nghe giảng kỹ và hình thành nên phản xạ tự nhiên thì sẽ không bị chùn bước. Còn câu 2 nghị luận xã hội thì có thể giúp học sinh tự do trình bày quan điểm riêng, khai thác được nhiều khía cạnh chứ không chỉ bó buộc trong một tác phẩm nhất định. "Em có thể đạt trên 8 điểm với đề này", nam sinh nói.
"Bản thân em rất ghét việc ngày nào cũng cầm đề cương để học thuộc và em cũng không bao giờ ủng hộ vấn đề này. Em khá thích đề mở như hiện tại, dù thời gian đầu cũng khá khó khăn vì sẽ có nhiều dạng câu hỏi mới, yêu cầu học sinh phải động não, tìm tòi, cập nhật thời sự mới làm được. Nhưng đề thi nào cũng cần học kỹ năng để thực hiện tốt nên em không thấy áp lực", nam sinh nói thêm.
Tuy nhiên, nam sinh này cũng chỉ ra một cái khó là phải viết đúng số chữ mà đề thi yêu cầu vì em và các bạn cùng trường cũng thường hay viết "quá tay" trong những bài kiểm tra do có quá nhiều phần phải triển khai. "Thế nên em cũng lo không biết khi đi thi mình làm vậy có bị sao không hay thầy cô sẽ linh hoạt trong vấn đề này", nam sinh băn khoăn.
Chung nỗi lo, Nguyễn Thị Thanh Mỹ, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cũng sợ giám khảo sẽ trừ điểm nếu em viết thiếu hoặc dư so với dung lượng mà đề bài yêu cầu. Việc định sẵn dung lượng theo hướng 200, 600 chữ cũng yêu cầu học sinh phải luyện viết "cực nhiều" để đủ khả năng triển khai ý tưởng và mạch văn theo đúng yêu cầu, Mỹ nói thêm.
Một cái khó khác trong đề tham khảo môn văn, theo Mỹ, là chưa làm rõ nội dung phần viết liệu có đúng theo trình tự nghị luận văn học 200 chữ, nghị luận xã hội 600 chữ hay không, hay đề chính thức sẽ có sự thay đổi. Bởi, đó giờ đề nghị luận xã hội đều có dung lượng ít hơn đề nghị luận văn học thay vì ngược lại như đề tham khảo hiện tại, và điều này có tác động không nhỏ đến cách học của thí sinh.
"Trước đây, tụi em luôn quen viết phần nghị luận văn học dài hơn và tạo thành thói quen khi làm bài, nên nếu không phân ra rõ ràng sẽ rất khó để tụi em ôn luyện", Mỹ nói và cho biết thêm vì đề thi đang ra tác phẩm ngoài sách giáo khoa nên các em phải học cách viết đúng dạng bài: so sánh hoặc đánh giá hai tác phẩm khác nhau hay vừa so sánh vừa đánh giá.