Trả lời tại cuộc họp báo, tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay nhà trường đang phối hợp với Sở Tài chính Bình Dương để thực hiện các thủ tục trả lại tiền cho sinh viên.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, để chi trả lại số tiền kể trên phải rà soát khoảng 20.000 sinh viên, trong đó có một số sinh viên đã ra trường và không có thông tin liên lạc; tuy nhiên Trường ĐH Thủ Dầu Một cũng sẽ cố gắng thực hiện chi trả cho sinh viên trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, trả lời Báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường cho biết trong 2 năm học 2020 - 2021và 2021 - 2022 các sinh viên cuối cấp của trường hoàn thành các tín chỉ thực hành.
Theo quy định, mỗi lớp thực hành có khoảng 40-45 sinh viên nhưng nhà trường đã bố trí các lớp thực hành từ 20-25 sinh viên do không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành dẫn đến phát sinh nhiều chi phí (gấp đôi so với quy định) dẫn đến phải thu thêm học phí tín chỉ thực hành của sinh viên.
"Do nhà trường mới thực hiện tự chủ về tài chính dẫn đến cách hiểu và vận dụng các quy định khác nhau nên việc xác định mức thu học phí đối với tín chỉ thực hành chưa được thống nhất. Vì vậy Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và yêu cầu nộp ngân sách hoặc trả lại cho sinh viên trong thời gian sớm nhất…", tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường nói.
Sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Trường ĐH Thủ Dầu Một đã chọn phương án nộp tiền vào ngân sách để kịp tiến độ theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán, tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm.
Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh Trường ĐH Thủ Dầu Một thu sai quy định của sinh viên với số tiền 37 tỉ đồng, nhưng nhà trường chọn phương án nộp vào ngân sách, thay vì hoàn trả cho sinh viên.