Chiều nay 23.1, chia sẻ với PV Thanh Niên, thầy Nguyễn văn Đường, Trường THPT Phú Xuyên A, chia sẻ: "Tôi không dám tin đó là sự thật, nhưng hôm nay đã là 24 Âm lịch rồi, chỉ còn một hôm nữa là nghỉ tết. Sau nghỉ tết cũng là qua ngày 31.1. Nếu thành phố không chi thì số tiền đó phải nộp lại ngân sách nhà nước".
Cô Bùi Thị Dung, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B, cũng cho biết: "Hơn 14 năm công tác đây là lần đầu tiên tôi nghe đến tiền thưởng tết từ Chính phủ. Mong chờ phấp phỏng bao nhiêu. Mới đầu nghe tin mà vui quá cơ vì nghĩ từ giờ mỗi năm có một khoản thưởng, thêm thắt để nuôi 3 đứa con cho tươm tất.
Thế mà giờ thấy bạn bè đồng nghiệp các nơi đều khoe được thưởng tết 5 - 6 triệu. Lại thấy có mấy trường đã chuẩn bị được thành phố hỗ trợ tăng thu nhập hàng tháng mấy triệu đồng. Mình cũng là giáo viên công lập mà sao tự nhiên không hiểu sao lại không nằm trong số các giáo viên được hưởng từ quy định của Chính phủ. Nhiều thầy cô cũng canh cánh như tôi".
Cô Vũ Thị Hường, Trường THPT Xuân Đỉnh, cũng chia sẻ tâm trạng: "Hồi hộp chờ đợi, rồi lo lắng, còn 1 ngày nữa nghỉ tết chúng tôi chưa nhận được bất cứ đồng nào hay quyết định nào về việc nhận tiền thưởng theo Nghị định 73. Tại sao giáo viên ở ngay Hà Nội, cũng là viên chức không có thu nhập gì khác lương theo hạng ngạch mà mình lại không được hưởng khoản tiền thưởng như đồng nghiệp khác".
Như Thanh Niên đã phản ảnh, trước đó hơn 500 giáo viên Hà Nội đã viết "tâm thư" kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét việc này.
Bất cập này xuất phát từ việc ngày 10.12.2024, HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc TP.Hà Nội quản lý.
Với nghị quyết này, rất nhiều giáo viên trên địa bàn Hà Nội, do thành phố quản lý, sẽ không thuộc đối tượng thụ hưởng. Lý do là các đơn vị sự nghiệp giáo dục đang thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục từ năm học 2023 - 2024 bị phân loại thành đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên.
Thông thường, đơn vị tự chủ có nguồn thu để đảm bảo hoạt động, không dùng ngân sách nhà nước, tùy theo mức độ. Tuy nhiên, các trường được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên" ở Hà Nội vì trong giai đoạn thí điểm nên vẫn được nhà nước đảm bảo kinh phí.
Sở GD-ĐT đã trình phương án
Sau khi nhận được phản ánh của giáo viên về bất cập này, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đã họp bàn để báo cáo thành phố phương án hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục.
Sau đó, ngày 10.1, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã ký Tờ trình số 82/TTr-SGDĐT, gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị xây dựng Nghị quyết về việc cập nhật chi phí thực hiện chế độ tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73 của Chính phủ và chi phí chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại Nghị quyết số 46 của HĐND thành phố theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tờ trình của Sở GD-ĐT nêu: để tạo nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền thưởng và chi phí chi thu nhập tăng thêm cho các cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm đặt hàng theo giá dịch vụ giáo dục, việc ban hành Nghị quyết về việc cập nhật chi phí thực hiện chế độ tiền thưởng vào giá dịch vụ giáo dục ban hành tại Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND ngày 4.10.2024 của HĐND thành phố "là hết sức cần thiết."
Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội có tờ trình nêu trên, hàng nghìn giáo viên lại phấp phỏng chờ đợi và hy vọng nghị quyết cập nhật nếu được ban hành theo đề nghị của Sở GD-ĐT, sẽ là một nguồn động viên kịp thời, to lớn đối với viên chức giáo dục trên địa bàn.
Hà Nội hiện có 119 trường THPT thuộc Sở GD-ĐT quản lý được xếp vào diện "tự chủ chi thường xuyên". Ngoài ra, 30 quận, huyện mỗi nơi có khoảng 3 - 9 trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục. Ước tính, ít nhất 200 trường học bị ảnh hưởng.