Cung đình Việt đón tết ra sao?

10:50 - 23/01/2025

Không khí cung đình đón tết, lịch nghỉ tết của triều Nguyễn có gì lạ; lễ Chính Đán của các vị vua Việt ra sao… là những chi tiết thú vị được hé lộ trong ấn phẩm mới 'Tết chốn vàng son' của tác giả Lê Tiên Long (NXB Tổng hợp TP.HCM).

NHIỀU NGHI LỄ PHỨC TẠP

"Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy", vì là nước Á Đông chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên ở VN không chỉ có thần dân thực hiện các nghi lễ cúng bái tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ và thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo…, mà chốn cung đình cũng vậy, tết đến sẽ diễn ra rất nhiều lễ nghi phức tạp. Nhà vua được xem là "thiên tử" (con trời), nên phải thay mặt thần dân trăm họ tế lễ trời đất, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cuối năm, triều đình còn làm lễ Thượng nêu, ban lịch cho bề tôi, niêm phong cất ấn. Do nước ta thờ các thần Đất, thần Nông, nên đầu năm vua còn tế "Xã Tắc" - nơi thờ thần chủ về nông nghiệp. (Xã là nơi thờ thần Đất, Tắc là nơi thờ thần Nông).

Tết chốn vàng son cho biết: "Vào thời Trần, nghi lễ này được chính Lê Tắc kể lại trong An Nam chí lược: sáng mùng 1 tết, các vua Trần thường đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng tổ tiên ở phủ Thiên Trường phía nam làm lễ vọng bái. Thời hậu Lê cũng giống thời Trần, quê hương của các vua chủ yếu ở Lam Sơn, Thanh Hóa, nên vua thường chỉ về cúng tế phần mộ tổ tiên lúc thư nhàn. Vua làm lễ vọng từ kinh thành. Đến thời Lê trung hưng, các vua Lê thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên ngay tại điện Kính Thiên, rồi mới tiến hành nhận nghi thức chúc thọ của hoàng tộc và trăm quan. Điện Kính Thiên thời Lê sơ vốn là nơi vua thiết Đại triều, đến thời Lê trung hưng, thực quyền nằm trong tay các chúa Trịnh nên nghi lễ Đại triều không còn nữa, điện chuyển thành nơi các vua Lê thờ cúng tổ tiên. Tết đến, Thái miếu, nơi thờ các vị vua trước và tổ tiên vua Lê Thái Tổ, luôn đỏ đèn với rất nhiều nghi lễ thờ phụng".

Cung đình Việt đón tết ra sao?

Bìa sách Tết chốn vàng son

ẢNH: QUỲNH MY

Thời nhà Nguyễn, nghi lễ tế tổ tiên còn được "nâng cấp" thêm nhiều hình thức: Các miếu thờ các vị tiên tổ triều Nguyễn, từ Triệu miếu (thờ Nguyễn Kim), Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn), Hưng miếu (thờ thân phụ vua Gia Long), Thế tổ miếu (thờ các vua triều Nguyễn), điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua và hoàng hậu cho phép các bà trong cung được phép vào cúng lễ) liên tục đỏ đèn dâng lễ cùng quy cách chặt chẽ về cỗ bàn. Miếu Lịch đại Đế vương (thờ các vua triều đại trước), miếu công thần, rồi các điện thờ vua đời trước đặt tại lăng vua... đều dâng cỗ rất long trọng.

Về lệ dựng nêu ăn tết trong cung đình, có nhiều thuyết cho rằng xuất hiện từ thời Lê - được linh mục Giovanni Filippo De Marini (từng đến Đàng Ngoài thế kỷ 17) kể lại, trích từ sách: "Chiều hôm 30 tết, mọi người trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở...".

VUA ĂN TẾT CÓ KHÁC NGƯỜI THƯỜNG?

Năm 1803, vua Gia Long "ngự giá Bắc tuần" nhận tuyên phong quốc hiệu VN của nhà Thanh nên phải ở lại ăn tết tại thành Thăng Long. Chuyến đi kéo dài từ tháng 8 năm Quý Hợi (1803) đến tháng 2 năm Giáp Tý (1804). Nhờ nhiều nguồn tư liệu mới, tác giả Lê Tiên Long "hầu chuyện" khá chi tiết: "Đánh xong quân Tây Sơn, vua Gia Long đã cho Trịnh Hoài Đức vượt biển đem ấn tín nhà Thanh phong cho nhà Tây Sơn sang nộp để báo cáo. Hè năm 1803, vua sai sứ đoàn Lê Quang Định sang xin sắc phong, ý định xin đặt quốc hiệu là Nam Việt. Vua Càn Long không đồng ý, do sợ gây nhầm lẫn với nước Nam Việt của Triệu Đà. Gia Long nhiều lần gửi thư biện giải, tỏ ý nếu không chấp nhận quốc hiệu thì không xin thụ phong nữa. Càn Long mới đồng ý, đổi tên thành nước Việt Nam".

Cung đình Việt đón tết ra sao?

Tác giả Lê Tiên Long

ẢNH: QUỲNH MY

Hôm sứ giả nhà Thanh là Bố Sâm vào Điện Kính Thiên làm lễ, sách Tết chốn vàng son thuật lại: "Vua ngự ở cửa Chu Tước, hoàng thân và trăm quan theo hầu. Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành sung việc thụ sắc, chưởng Thần võ quân Phạm Văn Nhân sung việc thụ ấn. Lễ xong, vua mời Bố Sâm đến Điện Cần Chánh, thong thả mời trà. Bố Sâm ra về, vua sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm và quan hậu mệnh hộ tống ra cửa ải".

Chuyện vua Minh Mạng ăn tết cũng đặc biệt. Ông lên ngôi đúng ngày mùng 1 tết nên ban chiếu miễn thuế cho dân, thưởng cho tôn thất và các quan. Mùng 2 tết làm lễ cúng vua cha, mùng 3 thì yết các miếu thờ tổ tiên, ban tặng bạc và thưởng cơm rượu cho các bậc kỳ lão trong kinh kỳ. Vua Minh Mạng thường xuyên có thú vui làm thơ. Trong số rất nhiều bài thơ xuân của nhà vua có bài Ngày Tết Nguyên đán khai bút, có câu: "Canh diệt tứ thời nhưng phục thủy, Ưu cần nhất niệm hựu tòng đầu...". (Bốn mùa thay đổi quay vòng mới, Một dạ chăm lo lại bắt đầu), được thần dân nhớ đến nhiều về một vị vua mê thơ, rất thích khai bút đầu năm mới.

Mạnh dạn gọi Tết chốn vàng son là một cuốn "sử", cũng bởi vì tác giả Lê Tiên Long chủ yếu dựa vào những cuốn sách chính sử đồ sộ của cha ông, làm cái công việc tỉ mẩn là lọc lựa, biên chép, kết nối các dữ kiện, nhân vật, chuyện kể, hình thành những câu chuyện nhỏ, để người của hôm nay biết chuyện của hôm xưa, nơi chốn cung đình đã đón xuân, ăn tết. Chỉ có điều nó không phải một cuốn sử theo nghĩa thông thường, mà mang cái phong vị dân dã, khiêm cung, dẫu viết chủ yếu về những nghi lễ rắc rối phức tạp ở nơi chốn uy nghiêm, sang trọng bậc nhất trong thời kỳ phong kiến là cung đình.

Nhà báo Yên Ba

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Đón xem Lang quân như ý trên SCTV9

Đường đích chiến thắng - SCTV9

Truyền tích thần kỳ - SCTV9

 

Người bố thân yêu - SCTV9

 

CÙNG SCTV VUI TẾT SUM VẦY - QUÀ ĐẦY Ý NGHĨA

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...