Thương mại điện tử trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, định hình lại thói quen mua sắm của người tiêu dùng và cách vận hành của doanh nghiệp.
Mười năm nước, thương mại điện tử (TMĐT) chủ yếu xoay quanh máy tính để bàn. Khi ấy, mua sắm bằng các thiết bị di động chỉ mới nhen nhóm và là lựa chọn phụ. Thế nhưng hiện nay di động là thứ thống trị. Với điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi thứ mọi lúc mọi nơi. Các doanh nghiệp tìm cách tối ưu website của mình cho giao diện di động. Còn các ứng dụng di động phục vụ mua sắm mọc lên nhiều vô số, với các tính năng tiện lợi như đưa ra gợi ý được cá nhân hóa và thanh toán linh hoạt. Những điều này khiến doanh số bán hàng qua thiết bị di động gia tăng đáng kể.
2. Cá nhân hóa và trải nghiệm khách hàng
Mười năm trước, các sàn TMĐT thường cung cấp trải nghiệm chung chung, “mười người như một”. Nhưng giờ đây cá nhân hóa lại trở thành chiến lược then chốt của mọi sàn. Nhờ sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu và máy học, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với sở thích và hành vi cá nhân của từng khách hàng. Khi người tiêu dùng được trải nghiệm mua sắm phù hợp với nhu cầu, chắc chắn sự tương tác và tỷ lệ chuyển đổi sẽ được nâng cao.
3. Thương mại mạng xã hội
Mười năm trước, mạng xã hội chỉ là nơi để các thương hiệu tương tác với khách và nâng cao độ nhận diện. Nhưng giờ đây, sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp tích hợp luôn giỏ hàng vào mạng xã hội. Tức là người tiêu dùng có thể vừa lướt tin vừa mua sắm. Những nền tảng điển hình đã và đang thành công với mô hình này là Instagram, Facebook và TikTok. Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa tính năng này, kết hợp với các chiến dịch marketing bằng người có tầm ảnh hưởng (influencer) để thúc đẩy doanh số bán hàng.
4. Tiếp cận thị trường toàn cầu
Mười năm trước, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường người tiêu dùng ngoại quốc. Ngày nay, với sự phát triển của internet, dịch vụ tiếp vận và cổng thanh toán toàn cầu, người bán có đủ công cụ để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm mọi nơi trên thế giới, vừa khai thác tối đa thị trường, vừa mở rộng nền tảng khách hàng và tăng tiềm năng doanh số.
5. Mô hình thuê bao
Mười năm qua chứng kiến sự bùng nổ của mô hình thuê bao. Từ bộ dụng cụ nấu ăn, mỹ phẩm làm đẹp cho đến dịch vụ phát trực tuyến, tất cả đều có thể thuê bao hóa. Người tiêu dùng lựa chọn mô hình này vì sự tiện lợi và có thể khám phá những mẫu hàng, sản phẩm mới nhất. Ở phía bên kia, dịch vụ thuê bao giúp doanh nghiệp tạo nên dòng thu ổn định và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
6. Các tùy chọn thanh toán nâng cao
Mười năm trước, người tiêu dùng không có nhiều hình thức thanh toán trực tuyến, chủ yếu dựa vào thẻ tín dụng hoặc Paypal. Ngày nay họ có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm ví điện tử (Apple Pay, Google Pay), dịch vụ mua trước trả sau, hoặc thậm chí tiền điện tử. Sự đa dạng này làm tăng khả năng hoàn tất giao dịch và cải thiện đáng kể trải nghiệm mua sắm tổng thể.
7. Phát triển bền vững và các vấn đề đạo đức
Mười năm qua, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề phát triển bền vững và các yếu tố đạo đức liên quan sản phẩm/dịch vụ đã gia tăng. Họ có xu hướng ưu tiên những thương hiệu cam kết thực hiện các hành động thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Để phản hồi lại nhu cầu này, doanh nghiệp triển khai các nguồn cung ứng bền vững, minh bạch và bao bì thân thiện môi trường, đồng thời định vị bản thân phù hợp với giá trị khách hàng nhằm tạo nên sự khác biệt trong một thị trường khốc liệt.
8. Tiến bộ trong công nghệ
Các tiến bộ trong công nghệ ảnh hưởng đáng kể đến TMĐT, từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành chatbot, cho đến sử dụng thực tế ảo tăng cường (AR) để người dùng thử đồ online. Mười năm trước, những công nghệ này chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên ngày nay chúng là yếu tố quan trọng để tạo ra trải nghiệm tương tác sống động, từ đó nâng cao lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng.
9. Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI)
Trí tuệ nhân tạo thay đổi sâu sắc TMĐT, giúp nâng cao hiệu quả vận hành và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp có thể vận dụng AI trong nhiều mảng, từ phân tích dự báo nhu cầu cho đến chatbot hỗ trợ giải đáp thắc mắc và chăm sóc khách hàng. Ngoài ra AI còn có khả năng phân tích các mô hình hành vi người tiêu dùng để tối ưu hóa gợi ý sản phẩm, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
10. Mua sắm đa kênh
Mười năm trước, mua sắm trực tuyến tách biệt hoàn toàn với bán lẻ truyền thống. Thế nhưng giờ đây các doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược đa kênh, tích hợp giữa mua sắm trực tuyến và trực tiếp (online và offline). Khách hàng có thể dùng website để tìm hiểu thông tin sản phẩm, ra cửa hàng thực địa trải nghiệm trực tiếp và dùng mạng xã hội để tương tác với thương hiệu. Cách tiếp cận toàn diện trên nhiều kênh này giúp thương hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tạo nên sự nhất quán, tăng lòng trung thành và khuyến khích khách hàng quay trở lại.
Có thể thấy rằng trong thập niên vừa qua, bối cảnh TMĐT trải qua những thay đổi sâu rộng. Nguyên nhân cho những thay đổi ấy chung quy lại là: tiến bộ công nghệ, nhu cầu thay đổi và xu hướng mới. Khi ấy, các chiến lược marketing kỹ thuật số như SEO, quảng cáo PPC hoặc email marketing vẫn giữ vai trò then chốt trong việc định hình chuyển đổi này.
Nhìn về tương lai, các doanh nghiệp cần phải biết thích ứng và tận dụng các công cụ này để có thể phát triển trong thị trường sôi động và khốc liệt. Sự phát triển của TMĐT không chỉ là một xu hướng. Nó còn là thay đổi cơ bản trong cách thế giới mua sắm, tương tác với thương hiệu và thực hiện các chiến lược marketing.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...