Trước đó trong các hoạt động tại trường, Trường mầm non Thành Phố (quận 3, TP.HCM) đã có những lễ hội tết dân gian để trẻ em mầm non được hiểu về ngày tết cổ truyền, trải nghiệm các trò chơi, món ăn ngày tết, các em được múa hát, có nhiều kiến thức, kỹ năng, thêm kết nối với bạn bè, thầy cô. Đây cũng là hoạt động nằm trong Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành.
Trước khi học sinh nghỉ Tết Nguyên đán, trong buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ 1 năm học 2024-2025, cô Hồ Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Phố, đã nhắc nhở phụ huynh cần đảm bảo, duy trì nề nếp sinh hoạt của trẻ khi ở nhà với gia đình giống như lúc trẻ ở trường. Trẻ cần được ăn, ngủ đúng giờ. Đặc biệt, phụ huynh cần phòng chống dịch bệnh cho trẻ vào mùa tết, nhất là trong thời gian này nhiều trẻ bị bệnh về đường hô hấp.
"Chúng tôi cũng nhắc nhở với các phụ huynh, tới những ngày trước tết, trong Tết Nguyên đán thì ai cũng bận rộn, hối hả, nhưng phụ huynh phải hết sức chú ý trong chăm sóc con, đảm bảo an toàn điện, an toàn khi vui chơi. Đặc biệt phải cho trẻ được an toàn, tránh xa nước nóng, nước sôi, bởi ngày tết nhiều gia đình thường tập trung nấu nướng nhiều hơn", cô Hồ Thu Thảo cho hay.
Phòng ngừa nguy cơ trẻ bị bỏng nước sôi ngày Tết Nguyên đán
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi-Nhiễm, Bệnh viện Quận 8, TP.HCM, cho biết những ngày giáp tết và trong tết, phụ huynh thường rất bận rộn, hối hả vừa lo công việc cơ quan, vừa lo việc nhà, dọn dẹp, nấu nướng. Thời gian này trẻ em nghỉ học, đặc biệt trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thường hiếu động, do đó phụ huynh phải liên tục để mắt tới con, không được lơ là con nhỏ, phòng tránh các nguy cơ tai nạn sinh hoạt xảy ra cho các bé.
"Ngày tết nhà nào cũng nấu nhiều món hơn thông thường, như luộc gà, luộc bánh chưng, bánh tét, nấu canh... Phải trông chừng trẻ nhỏ, để trẻ tránh xa thật xa bếp lửa, nồi nước nóng. Hoặc nếu nấu nướng xong, phụ huynh không để ý mà để ngay tô canh, nồi nước sôi ở trên bàn, trong tầm với của trẻ nhỏ thì rất nguy hiểm với trẻ độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Các bé sẽ tò mò, hiếu động, các bé nhón chân, lấy tay với tới những tô nước sôi này, nguy cơ rất nguy hiểm là gây bỏng cho bé. Hay trong những ngày giáp tết, cha mẹ tất bật lau dọn nhà cửa. Trẻ ngồi chơi dưới sàn, cha mẹ bưng nồi canh nóng mà không để ý có thể bị trượt chân, gây bỏng cho bé. Nên luôn luôn phải chú ý để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ", bác sĩ Phan Thị Thanh Hà lưu ý.
Bác sĩ Thanh Hà cũng nhấn mạnh, nếu trong trường hợp không may trẻ bị bỏng nước sôi, phụ huynh phải ngay lập tức xả vùng bị da tổn thương dưới vòi nước lạnh. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay đổ nước mắm lên vết thương, việc làm này không có tác dụng, mà còn tăng nguy cơ vết thương bị nhiễm trùng. Sau đó, cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, ngày tết phải chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến đúng cách.
Trưởng khoa Nhi-Nhiễm, Bệnh viện Quận 8, TP.HCM cũng cho hay hiện nay trong dịp tết nhiều gia đình vẫn có thói quen dùng than đá để nấu nướng bánh chưng, bánh tét, các món hầm (hoặc dùng than đá sưởi ấm trong phòng kín ở nhiều nơi có thời tiết lạnh). Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên dùng than đá trong nấu nướng, sưởi ấm, đặc biệt là nơi có không gian nhỏ hẹp, điều này có thể gây hen suyễn cho trẻ, gây ngộ độc khí CO. Đã có nhiều vụ nạn nhân bị ngộ độc khí CO gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương từ trước đến nay.