Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vừa khép lại đợt thi đầu tiên vào trưa 7.4, thu hút gần 94.000 thí sinh tham dự trong bối cảnh hơn 100 trường ĐH, CĐ tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi này. Tại các điểm thi ở TP.HCM, Thanh Niên ghi nhận được nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, phần nào phản ánh được không khí của một trong những kỳ thi tuyển sinh ĐH lớn nhất hiện tại trong mùa tuyển sinh ĐH 2024.
Tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang (Q.Bình Thạnh), nổi bật là hình ảnh hàng dài phụ huynh "đội" nắng chờ đón con hoàn thành bài thi, đặc biệt khi nhiệt độ tại TP.HCM ngày càng tăng cao trong những ngày qua. Cụ thể, theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nhiệt độ cao nhất hôm qua dao động từ 35 - gần 38 độ C.
Song, đây chỉ là mức nhiệt được cơ quan khí tượng đo trong các lều khí tượng bằng nhiệt kế chuyên dụng. Cảm nhận thực tế nhiệt độ ngoài trời có thể cao hơn từ 3 - 5 độ C, do các phản xạ nhiệt từ mặt đường, từ hơi nóng máy lạnh, phương tiện giao thông...
Trong khi đó, tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hình ảnh nghị lực của bạn Trương Nguyễn Như Nguyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khiến không ít người cảm phục. Theo lời kể, Nguyên không may bị tai nạn giao thông trước ngày thi 3 tuần, dẫn đến gãy chân và đứt dây chằng. Vì thế, nữ sinh phải di chuyển bằng xe lăn với chân trái đeo nẹp.
Song, điều đó không dập tắt được tinh thần chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của nữ sinh, điều mà Nguyên cho là "rất quan trọng". Khi đến điểm thi, Nguyên được các bạn cùng lớp hỗ trợ nhiệt tình, đồng thời còn được những tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển vào phòng thi. Nguyên chia sẻ, em dự định dùng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính-Marketing, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM.
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực có 51 trường ĐH, CĐ từ Thừa Thiên-Huế trở vào cùng tham gia phối hợp tổ chức; tại 24 địa phương gồm: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần, mỗi phần kiểm tra các lĩnh vực kiến thức khác nhau. Phần 1 liên quan đến kiến thức tiếng Việt và sử dụng tiếng Anh. Phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu sẽ đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh, phân tích số liệu. Phần 3 giải quyết vấn đề sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực, gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và 2 lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).