Tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từ 6 giờ 30, một tiếng trước khi bắt đầu giờ tập trung làm thủ tục tại phòng thi, không ít thí sinh đã có mặt để ăn sáng và chuẩn bị vào phòng thi. Điểm thi đánh giá năng lực này tập trung nhiều thí sinh đến từ những trường THPT tại Q.3, TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu, Marie Curie, Lê Quý Đôn...
Trương Thanh Mai, lớp 12P1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thú nhận vì quá lo lắng cho kỳ thi sáng nay nên bạn đã thức dậy từ 4 giờ để trấn an bản thân, giúp đầu óc thoải mái. Mai di chuyển từ nhà đến điểm thi mất khoảng 20 phút, đứng đợi bạn học chung lớp để cùng vào phòng thi. "Phương thức này cho em cơ hội kiếm một suất vào ĐH từ sớm, với đa dạng lựa chọn về ngành và trường học", nữ sinh bộc bạch.
Cách đó vài mét, Trương Quỳnh Trâm, lớp 12D3 Trường THPT Marie Curie, cho hay dự thi đánh giá năng lực với tâm lý thoải mái, chủ yếu muốn đong đếm sức học thực tế của mình và nếu may mắn hơn nữa thì có cơ hội trúng tuyển nguyện vọng yêu thích. "Em mới bắt đầu nghiên cứu và giải đề trong 2-3 tuần trở lại đây", nữ sinh đặt nguyện vọng vào ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ.
Bên cạnh những thí sinh có sự chuẩn bị đầy đủ về giấy tờ, ghi nhận thực tế tại điểm thi, không ít bạn khi đến điểm thi mới tá hỏa nhận ra mình quên mang theo CCCD hay chưa in giấy báo dự thi. Với trường hợp chưa in giấy báo dự thi, theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh chỉ cần có mặt tại phòng hội đồng thi trước giờ tập trung tối thiểu 30 phút để làm các thủ tục cần thiết.
Tuy nhiên, với trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân hợp lệ như CMND, CCCD hay hộ chiếu (bản chính, còn hạn sử dụng), thí sinh lại không được phép vào phòng thi và có thể mất tư cách dự thi đợt 1. Sau khi nghe cán bộ phụ trách điểm thi giải thích, nhiều thí sinh lúc này phải cấp tốc gọi người thân đến mang lên, như trường hợp của Đinh Thị Mỹ Hạnh, học lớp 12P Trường THPT Marie Curie.
Hạnh cho biết, nhà bạn ở Q.8, khi di chuyển đến điểm thi mới phát hiện mình không mang theo CCCD. Lúc đó, nữ sinh phải gọi mẹ nhờ mang lên. Vì chỉ dự thi với tâm lý thử sức là chính, Hạnh thú nhận mình không quá tiếc nuối nếu bị lỡ cơ hội lần này. Song, đến 8 giờ 18, chỉ 12 phút trước khi chính thức bắt đầu giờ làm bài, mẹ của nữ sinh đã kịp có mặt để "cứu nguy".
Năm nay, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực có 51 trường ĐH, CĐ từ Thừa Thiên-Huế trở vào cùng tham gia phối hợp tổ chức; tại 24 địa phương gồm: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần, mỗi phần kiểm tra các lĩnh vực kiến thức khác nhau. Phần 1 liên quan đến kiến thức tiếng Việt và sử dụng tiếng Anh. Phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu sẽ đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh, phân tích số liệu. Phần 3 giải quyết vấn đề sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực, gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và 2 lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).