Riêng cụm thi Trường ĐH Nha Trang tổ chức có gần 3.000 thí sinh, được chia làm 6 điểm thi gồm 102 phòng thi. Trường đã huy động đội ngũ khoảng 350 cán bộ làm công tác thi, trưởng điểm thi, thư ký, giám sát, trật tự viên, y tế, sinh viên tiếp sức mùa thi….
Đáng chú ý, bên cạnh 2 điểm thi tại trung tâm TP.Nha Trang, cụm thi do Trường ĐH Nha Trang tổ chức tại Khánh Hòa đã lần đầu tiên triển khai tại 4 huyện thị của tỉnh Khánh Hòa, mỗi huyện một điểm thi. Cụ thể: điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ở H.Vạn Ninh, Trường THPT Nguyễn Trãi ở TX.Ninh Hòa, Trường THPT Hoàng Hoa Thám ở H.Diên Khánh, Trường THPT Ngô Gia Tự ở TP.Cam Ranh.
"Việc tổ chức các điểm thi ở huyện, vùng sâu, vùng xa những khu vực xa TP.Nha Trang có ý nghĩa lớn đối với thí sinh và phụ huynh, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình giảm áp lực cho việc đi lại, chi phí ăn ở khách sạn, nhà nghỉ ở thành phố. Mặt khác, giúp giảm tải áp lực thí sinh tập trung đông ở trong TP.Nha Trang", PGS-TS. Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết.
Theo ông Phương, việc này cũng là nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của Trường ĐH Nha Trang, đồng thời hướng đến việc đưa kỳ thi đánh giá năng lực đến gần hơn với thí sinh ở vùng sâu, vùng xa – những nơi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tiện ích và dịch vụ giáo dục so với thành phố. Điều này giúp cho thí sinh dễ dàng có điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào trên 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng phương thức này.
Theo kế hoạch, năm 2024, ĐHQG TP.HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực và mở rộng nhiều địa điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Thí sinh sẽ làm một bài thi trong vòng 150 phút, với thang điểm là 1.200. Cấu trúc đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, với ba phần kiến thức: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Dự kiến, điểm thi đợt 1 sẽ được công bố vào ngày 15.4. Giấy chứng nhận kết quả sẽ được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi đánh giá năng lực.