Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95 nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành luật Nhà giáo. Trong đó, 5 chính sách gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Các nội dung này được Bộ GD-ĐT giới thiệu trong hội thảo tham vấn chuyên môn của đại diện 30 cơ sở giáo dục ĐH về việc xây dựng luật Nhà giáo ngày 19.1.
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỀ NGHIỆP NHÀ GIÁO
Theo đó, nhà giáo dự kiến được quy định là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, nhà giáo dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, dạy sơ trung cấp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác gọi là giáo viên. Nhà giáo dạy từ CĐ trở lên, người làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công viên chức gọi là giảng viên. Nhà giáo sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục được gọi là nhà giáo.
Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo gồm các tiêu chí nghề nghiệp nhà giáo áp dụng cho từng chức danh nhà giáo ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là căn cứ để tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sa thải và đánh giá phẩm chất năng lực nhà giáo. Đáng chú ý, chính sách này lần đầu tiên giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được nêu ra.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của VN cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Cũng theo ông Đức, người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp gồm: người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người hiện đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện. Ví dụ, nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, giáo viên có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục.
Ngoài ra, một số trường hợp khác nếu có nhu cầu cũng có thể được cấp giấy chứng nhận này. Ví dụ, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo hình thức hợp đồng lao động. Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền.
LÀM VIỆC TRONG TRƯỜNG ĐH nhưng không đi dạy có là nhà giáo?
Chia sẻ trong hội thảo ngày 19.1, đại diện nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã bày tỏ quan điểm xung quanh thông tin giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo lần đầu được chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, băn khoăn đến việc định danh nhà giáo. Cấp quản lý ở các trường ĐH không đứng lớp giảng dạy, ví dụ trưởng phòng đào tạo hoặc trưởng phòng tổ chức nhân sự, thì có được coi là nhà giáo không. Ông Ninh đề nghị trong luật Nhà giáo cần làm rõ.
"Về chức danh nhà giáo, chúng ta đã có tiêu chuẩn giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp đối với giảng viên trong khối công lập. Nhưng với giảng viên khối tư thục chúng ta chưa có. Tôi đề nghị xây dựng tiêu chuẩn đồng bộ giữa giảng viên khối công lập và tư thục vì hiện nay sự trao đổi qua lại giảng viên giữa 2 hệ thống này rất nhiều. Đề nghị có quy định chi tiết chức danh với giảng viên khối tư thục", ông Ninh đặt vấn đề.
Về giấy chứng nhận nghề nghiệp, ông Ninh cho rằng đây là đề xuất rất hay của luật Nhà giáo. Theo ông Ninh, nên xây dựng giấy chứng nhận theo hướng như một chứng chỉ hành nghề. Ông Ninh phân tích: "Với giảng viên ĐH, chúng ta lấy nguồn từ các thạc sĩ, tiến sĩ và thậm chí trường tư thục không có giai đoạn tập sự mà chỉ thử việc để trở thành giảng viên. Do đó, nên có kỳ sát hạch để người đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức qua được bài sát hạch thì nhận được chứng chỉ và có thể sử dụng trong phạm vi toàn quốc".
Ông Ninh kiến nghị thêm: "Nên có thời gian với chứng chỉ nghề nghiệp nhà giáo. Theo định kỳ nên xem xét lại về trình độ, năng lực, phương pháp giảng dạy, tác phong, đạo đức".
Liên quan đến xử lý vi phạm giảng viên, ông Ninh còn cho rằng khi có luật Nhà giáo cần bổ sung quy định cụ thể cho phép nhà trường đình chỉ công tác giảng dạy hoặc được sa thải nếu đủ điều kiện theo luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan cấp phép thu hồi giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Đồng thuận với việc xây dựng luật Nhà giáo nhưng PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Văn Lang, khá băn khoăn đến giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Ông Thủy nói: "Các giáo sư, người rất có uy tín về lĩnh vực học thuật, thì cần làm thủ tục gì và ai cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này cho họ. Trước đây bộ cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lâu nay các trường ĐH đã thực hiện việc cấp văn bằng cho thang học vấn cao nhất ở nước ta… Nay thêm chứng nhận nghề nghiệp cần phân cấp thực hiện ra sao, có xung đột với các chức danh, học hàm, học vị hiện có hay không?".
PGS-TS Bùi Anh Thủy còn cho rằng sẽ khó khả thi với quy định người được cấp giấy chứng nhận nhà giáo không cần qua chế độ tập sự khi được nhận vào cơ sở khác, thuyên chuyển giữa các địa phương. Lý do được nêu ra, theo ông Thủy, hệ thống các trường ĐH công lập hiện có những trường tự chủ hoàn toàn, họ có quyền nhận hoặc không nhận ai đó và các trường tư cũng vậy. Quy định này sẽ gặp những trở ngại ngay với các trường tự chủ hoàn toàn. (còn tiếp)
Cấp miễn phí
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí, có giá trị sử dụng trong toàn quốc và có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ. Giấy sẽ bị thu hồi khi nhà giáo bị cơ quan có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; vi phạm kỷ luật ở mức độ bị buộc thôi việc, sa thải; hồ sơ đề nghị cấp giấy không đúng quy định. Giấy chứng nhận bị tạm đình chỉ trong trường hợp nhà giáo bị cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền đình chỉ có thời hạn hoạt động giảng dạy, giáo dục. Trong trường hợp bị mất hoặc thay đổi thông tin về hoạt động nghề nghiệp, giấy chứng nhận có thể được cấp lại.
Các quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên
Đến nay, cả nước có hơn 1,6 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên ĐH, CĐ với hơn 48.000 thạc sĩ, hơn 24.000 tiến sĩ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp cả nước. Chuẩn nghề nghiệp với giáo viên hiện theo luật Giáo dục năm 2019 và các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ở mỗi bậc học, giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của bộ sẽ được phân hạng, từ hạng I đến hạng III. Đây là cơ sở để xếp lương trong các trường công lập. Những giáo viên, giảng viên trường tư khi chuyển sang khu vực công lập phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác.