Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, khi nói đến 3 nhà là Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mỗi nhà có vai trò khác nhau.
"Thời gian qua, Nhà nước còn làm việc miệt mài hơn cả doanh nghiệp. Về nhà trường, chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, các trường đại học tham gia đào tạo ngành bán dẫn nhanh chóng, sẵn sàng.
Chúng ta đã quyết tâm đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, trong đó FPT nhận với Thủ tướng là đào tạo 10.000 nhân lực ngành bán dẫn. Chúng tôi bắt đầu đầu tư hệ thống phổ thông rồi đến hệ thống cao đẳng, đại học. Chúng tôi lúc thì làm việc với phía Hàn Quốc, Đài Loan, lúc thì làm việc với Nhật Bản, Mỹ, tìm mọi con đường để có thể hợp tác đào tạo", ông Bình nói.
Đặc biệt nhấn mạnh cần bàn đến đầu ra, công ăn việc làm cho nhân lực học bán dẫn, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT: "Có rất nhiều cơ hội việc làm. Các bạn tốt nghiệp đông bao nhiêu vẫn không đủ cho riêng chúng tôi".
Nhìn nhận yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa 3 bên, ông Bình cho rằng, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan.
Theo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn vô cùng cần thiết, giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP.HCM, FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng", ông Quân nói.
Dự kiến tháng 8 phê duyệt chính sách thu hút đầu tư trong ngành bán dẫn
Bộ KH-ĐT được giao chủ trì và phối hợp với các bộ, ban, ngành, các bên liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu và làm chủ được một phần công nghệ thuộc công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; tham gia làm việc và từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn.
Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án để Việt Nam không bị bỏ lỡ thời cơ, cơ hội có thể tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Đề cập tới đề án này, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn là con số tính toán an toàn. "Chúng ta triển khai tốt và có điều kiện thì phải làm hơn thế, về lâu dài phải phấn đấu đào tạo hàng triệu nhân lực ngành bán dẫn", ông Dũng nói.
Ngoài chuẩn bị nguồn nhân lực, ông Dũng cũng nhấn mạnh, phải chuẩn bị các chính sách để thu hút đầu tư, hình thành hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
"Chúng tôi đang xây dựng chính sách thể hiện qua quỹ hỗ trợ đầu tư; đang ở giai đoạn cuối, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 8 có thể phê duyệt các chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, hình thành hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam", Bộ trưởng KH-ĐT thông tin thêm.