Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm hiện nay thể hiện văn hóa "chen lấn xô đẩy", sang năm, Bộ GD-ĐT sẽ gia tăng chế tài nhằm hạn chế tác hại của phương thức này.
Nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng trong xét tuyển
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết chỉ tiêu tuyển sinh tăng đều với các trình độ (đại học, sau đại học) trong 3 năm vừa qua, cho thấy năng lực đào tạo của toàn hệ thống là không ngừng tăng lên.
Số thí sinh xét tuyển vào các cơ sở đại học có tỷ lệ tăng rất tốt. Minh chứng tiêu biểu cho nhận định này là số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tăng 6,9%, nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 11,12%.
Nhưng bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, đến mùa tuyển sinh năm nay, trên toàn hệ thống vẫn còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng.
"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các trường phân tích đối sánh tính công bằng giữa chỉ tiêu xét tuyển cho từng phương thức, tuy nhiên báo cáo của các trường cho đến nay chưa đầy đủ. Việc phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và cho hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo", bà Nguyễn Thu Thủy nói.
Trước đó, khi phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhận định: "Công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo".
Đại học cần có trách nhiệm hơn với phổ thông
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Vì thế, trong vấn đề tuyển sinh, chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới, để phù hợp với sự đổi mới toàn hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học.
"Nhưng chúng ta lưu ý, các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, cho nên thời gian tới cần xem xét. Các em học sinh trúng tuyển sớm sẽ có tâm lý không muốn học nữa, điều đó rất tai hại. Các trường thì yên tâm về số lượng sẽ trúng tuyển vào trường mình, chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, dẫn đến điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng cho thí sinh trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Bức tranh tuyển sinh hiện nay cho thấy "truyền thống chen lấn xô đẩy còn mạnh lắm".
"Đừng nhiều (phương án) quá, đừng phức tạp quá. Các trường đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Về việc này, Bộ GD-ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Kết quả cho thấy nguồn tuyển dồi dào, trường đại học uy tín thì không lo. Không có gì phải chen lấn xô đẩy", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, số liệu thống kê hiện nay cho thấy khối giáo dục ngày càng có nguồn tuyển sinh phong phú. Số học sinh vào lớp 1 năm nay là 1,9 triệu, đây là tin rất vui của trường đại học 10 năm sau: "Số thi tốt nghiệp THPT vừa rồi là 1,1 triệu em, đăng ký xét tuyển vào đại học là 733.000 em. Từ lớp 2 đến lớp 11 hiện nay bình quân mỗi khối có 1,63 triệu học sinh, càng xuống lớp thấp số học sinh càng lớn. Nói như thế để thấy chúng ta rất lạc quan về số lượng, thỏa mãn nhu cầu nguồn tuyển cho các thầy cô. Số sinh viên vào học đại học hằng năm sẽ tăng dần lên, đó là tất yếu. Chúng ta phải chuẩn bị chỗ cho sinh viên học, nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần phải lo, đó là về chất lượng".