Tăng gần gấp đôi, vì sao?
Hôm nay (9.8), Sở Di trú New Zealand (INZ) công bố sẽ tăng lệ phí xin visa từ đầu tháng 10, gồm mức phí và thuế mới, áp dụng với tất cả loại visa hiện hành trong đó có visa du học. Theo INZ, lệ phí mới được điều chỉnh lên mức phù hợp để bù đắp chi phí xử lý hồ sơ, đồng thời phản ánh sự tương xứng với những lợi ích mà người sử dụng dịch vụ di trú nhận được.
"Di cư đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, lực lượng lao động và cộng đồng của New Zealand. Nó giúp bạn bè, gia đình được đoàn tụ, cung cấp cho người sử dụng lao động quyền tiếp cận các kỹ năng và vốn quan trọng, đóng góp vào các cam kết quốc tế, nhân đạo của New Zealand và hỗ trợ an ninh, toàn vẹn biên giới. Hoàn toàn hợp lý khi những người sử dụng và hưởng lợi từ hệ thống di cư chi trả chi phí vận hành", INZ thông tin.
Trong đó, visa du học sẽ tăng 1,9 lần, từ 395 NZD lên 750 NZD (11,3 triệu đồng). Còn visa làm việc sau tốt nghiệp (post-study work visa) sẽ tăng 2,4 lần, từ 700 NZD lên mức 1.670 NZD (25,2 triệu đồng). Tất cả đều chưa cộng thêm phí bảo tồn và du lịch quốc tế (IVL) của New Zealand. Hiện phí này là 35 NZD và chưa rõ liệu có tăng thêm trong thời gian tới hay không, theo các chuyên gia du học tại Việt Nam.
Trong thông cáo chính thức, Bộ trưởng Di trú Erica Stanford khẳng định các khoản phí dù tăng nhưng vẫn thấp với so với những quốc gia như Úc, Anh, thế nên "New Zealand vẫn là một điểm đến hấp dẫn để sinh sống, làm việc, học tập và du lịch". Bà Stanford cho biết thêm việc tăng lệ phí giúp chính phủ nước này tiết kiệm hơn 563 triệu đô trong 4 năm tới.
Trước đó, vào đầu năm tài khóa 2024, Úc cũng cập nhật biểu phí mới liên quan đến visa du học. Theo đó, lệ phí xin visa du học từ 710 AUD nay tăng khoảng 2,25 lần, lên mức 1.600 AUD (26,5 triệu đồng). Trong trường hợp đi cùng thân nhân, người nộp đơn xin visa du học phải đóng thêm khoản phí 1.190 AUD (19,7 triệu đồng) nếu thân nhân từ 18 tuổi trở lên; 390 AUD (6,4 triệu đồng) nếu dưới 18 tuổi.
Cũng theo bà Stanford, lệ phí mới bao gồm phí xử lý hồ sơ, phí đánh giá các trường hợp khó, phí kiểm soát tình trạng bóc lột người nhập cư và giải quyết yêu cầu tị nạn, phí duy trì và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. "Cho đến nay, hệ thống di trú đã được trợ cấp đáng kể từ nguồn ngân sách công. Thay đổi sắp tới sẽ chuyển phần phí này sang những người trực tiếp hưởng lợi từ hệ thống, đảm bảo hệ thống di trú tự chủ về tài chính và hoạt động hiệu quả hơn", bà Stanford nhấn mạnh.
Tăng quyền lợi cho thân nhân
Theo thông tin từ INZ, 80% đơn xin visa du học thường được xử lý trong vòng 6 tuần làm việc. Với visa này, du học sinh có thể làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học, và làm toàn thời gian trong các kỳ nghỉ. Trong trường hợp muốn đi cùng thân nhân như vợ chồng hoặc con cái, người đi cùng phải nộp đơn xin loại visa dựa trên mối quan hệ tương ứng.
Trước đó, chính phủ New Zealand hồi tháng 6 thông báo mở rộng điều kiện cấp visa lao động cho vợ hoặc chồng của một số sinh viên quốc tế. Cụ thể, bạn đời của sinh viên đang theo học các chương trình thuộc level 7 (cử nhân), level 8 (sau ĐH, tiền thạc sĩ) ở những ngành trong trong danh sách thiếu hụt lao động (Green List) có thể xin visa làm việc với các điều kiện mở (partner of a student work visa).
Ngoài ra, con cái đang trong độ tuổi học phổ thông (nếu có) có thể nộp đơn xin visa học sinh theo diện phụ thuộc (dependent child student visa) để hưởng các quyền lợi như học sinh bản xứ, tức không phải đóng học phí.
Trả lời The PIE News, bà Jeannie Melville, Phó giám đốc điều hành về nhập cư tại Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Việc làm New Zealand, cho biết thêm Green List gồm các ngành nghề yêu cầu kỹ năng cao và đang có nhu cầu lớn, như y tá, bác sĩ, nha sĩ và giáo viên. "Chúng tôi muốn tạo sự cân bằng, vừa chào đón những người mà New Zealand cần để làm việc, du lịch, sinh sống và học tập, vừa đảm bảo an ninh nhập cư", bà Melville khẳng định.
Theo thống kê từ Cơ quan Giáo dục New Zealand, 69.135 sinh viên quốc tế nhập học ở các cơ sở cung cấp giáo dục tại New Zealand vào năm 2023, tăng 67% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam có 1.736 người, tăng 10% so với năm trước song vẫn cách mức kỷ lục khoảng một nửa (3.042 người vào 2019), tập trung nhiều nhất ở các trường ĐH (1.120 người) và trường phổ thông (308).