Bộ trưởng GD-ĐT: 'Làm sao có thể an lòng trong văn phòng tiện nghi của mình...'

08:42 - 28/10/2024

Nói về vấn đề kiên cố hóa trường lớp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng chưa thể an lòng trong ngôi nhà chắc chắn, ấm áp hay văn phòng tiện nghi, hiện đại khi mà cả nước còn hàng chục nghìn phòng học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ…

Hôm nay 25.10, tại hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới do Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ đầy trăn trở liên quan đến nội dung này.
Bộ trưởng GD-ĐT: 'Làm sao có thể an lòng trong văn phòng tiện nghi của mình...'

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị về công tác xã hội hóa trường, lớp học

ẢNH: MOET

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong 10 năm qua khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (theo thống kê trong báo cáo, 10 năm qua đã có 37.200 phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với số kinh phí ước tính khoảng trên dưới 30.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên, hiện cả nước tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%. Tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn (như khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu,…).

Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.

Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển GD-ĐT bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn. Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91; trong đó xác định rõ "phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%", tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.

Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Vẫn còn hàng chục nghìn phòng học "có như không có"

Người đứng đầu ngành giáo dục bày tỏ, cả ngành luôn đau đáu việc này. Đây vừa là việc thể hiện trách nhiệm xã hội chung, hướng tới bình đẳng xã hội, bình đẳng giáo dục,…

"Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo... Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học.

Chúng ta sao có thể an lòng sinh hoạt trong ngôi nhà chắc chắn và ấm áp của mình, trong khi còn hàng nghìn trẻ em các tỉnh vùng núi phía bắc băng hàng chục km đường rừng núi chỉ để tới được những ngôi trường và được ngồi học trong những căn phòng học tạm, gió lạnh thổi qua.

Chúng ta sao thể an lòng làm việc trong những văn phòng tiện nghi chắc chắn, thậm chí là lộng lẫy, khi mà cả nước còn hàng chục nghìn phòng học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ, có cũng như không có, không có nhưng vẫn phải có", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Trong thời gian tới, ông Kim Sơn cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...