Trong đó, có gần 50% số tiêu chí đạt mức vượt yêu cầu chất lượng trở lên và có 2 tiêu chí được đánh giá vượt trội (tiêu chí mục tiêu chiến lược và chiến lược quản lý chất lượng). Chứng nhận này có giá trị đến năm 2030.
Như vậy, tính đến thời điểm này có 4 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam hoàn thành quy trình kiểm định chất lượng của FIBAA, gồm Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Văn Lang.
FIBAA là tổ chức đảm bảo chất lượng của Chính phủ Thụy Sĩ, có trụ sở đồng thời tại Đức và Thụy Sĩ. Tổ chức này áp dụng tiêu chuẩn châu Âu, thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và phát triển các tổ chức, chương trình giáo dục trên thế giới trong khối ngành xã hội và nhân văn, luật, quản trị và kinh tế.
GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Bộ GD-ĐT, thông tin tính đến ngày 30.9.2024, Việt Nam có gần 600 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế và có 11 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế.
"Để đạt được chứng nhận chất lượng giáo dục của FIBAA, các trường phải thực hiện quy trình kiểm định nghiêm ngặt theo tiêu chí của tổ chức FIBAA về mục tiêu chiến lược, hệ thống quản trị chất lượng, chương trình đào tạo, chất lượng của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên và hệ thống cơ sở vật chất", GS-TS Huỳnh Văn Chương cho hay.
Cũng trong dịp này, Trường ĐH Văn Lang còn nhận chứng nhận từ Tổ chức đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) cho 2 chương trình đào tạo thiết kế thời trang và thiết kế nội thất.