PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cần làm tốt khâu khảo sát nhu cầu đào tạo. Trên cơ sở đó, tuyển dụng theo số lượng và cơ cấu, cải thiện về chế độ lương.
"Khi làm tốt từ khâu dự báo, khảo sát, quy hoạch, sẽ giảm thiểu được tình trạng lúc thừa lúc thiếu giáo viên (GV), và tình trạng sinh viên (SV) sư phạm bị "ế việc" sẽ sớm được khắc phục", PGS Nhĩ nói.
Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nghịch lý thiếu GV nhưng cử nhân sư phạm vẫn thất nghiệp có thể do chưa có dự báo một cách hệ thống, đồng bộ. Do đó, cần giải quyết bài toán quy hoạch, xây dựng chính sách nhằm thu hút được người giỏi để đào tạo, bồi dưỡng; phát triển được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có chất lượng cao, bền vững. Ngoài ra, cần "kích thích đủ ngưỡng", nghĩa là đảm bảo SV sư phạm có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương đủ sống. Muốn vậy, cần thúc đẩy cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo GV theo nhu cầu địa phương.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có rất ít địa phương đặt hàng đào tạo GV. Theo đó, trong 2 năm 2021 và 2022, cả nước cần bổ sung tới hơn 110.000 GV nhưng chỉ có hơn 1.900 chỉ tiêu được địa phương đặt hàng, hơn 5.500 chỉ tiêu được giao nhiệm vụ trong tổng số trên 30.000 SV đăng ký hưởng chính sách sau 2 năm thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ "Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm". Còn 40 tỉnh, thành phố không đặt hàng đào tạo GV. Nhưng 23 tỉnh đặt hàng thì số lượng cũng chỉ vài chục chỉ tiêu, rất nhỏ giọt, đặt cho có để đảm bảo trách nhiệm.
Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết 3 năm qua không nhận được bất kỳ thông tin một địa phương nào có nhu cầu đặt hàng hay đấu thầu đào tạo GV. Trường ĐH Tây Bắc, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực các tỉnh miền núi phía bắc, cũng trong tình trạng tương tự. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có tỉnh Hà Giang đặt hàng 20 chỉ tiêu từ năm 2021, trong khi dự kiến đến năm 2030 ngành giáo dục Hà Giang cần bổ sung gần 6.000 cán bộ, GV thay thế cho những người nghỉ chế độ hưu trí, nghỉ chế độ trước tuổi.
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 116
Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 theo hướng kinh phí đào tạo nên chuyển về trường ĐH sư phạm theo đặt hàng từ phía địa phương, chứ không phải chuyển về địa phương, rồi địa phương sử dụng tiền đó để đặt hàng với trường sư phạm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm, tỷ lệ SV sư phạm được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% số SV nhập học, chiếm 24,3% số SV đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố.
Như vậy, đồng nghĩa với việc số SV thuộc diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội" (tức không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng) và được ngân sách nhà nước cấp chiếm tỷ lệ 75,7% số SV đăng ký hưởng chính sách và chiếm đến 82,6% số SV nhập học.
Có 6 cơ sở đào tạo GV đã được các địa phương sở tại và lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ SV sư phạm và gây mất công bằng giữa các SV sư phạm. Ngay ở những trường trọng điểm nhất như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng mới chỉ được đặt hàng 13 chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khả quan hơn một chút, song cũng chỉ được đặt hàng 51 chỉ tiêu.
Việc phân bổ giao kinh phí hỗ trợ cho SV sư phạm theo Bộ GD-ĐT, cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hằng năm (năm 2021, 2022, 2023), Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho SV sư phạm của các cơ sở đào tạo GV thuộc Bộ GD-ĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho SV sư phạm thường chậm và phải xin bổ sung so với kế hoạch đào tạo, dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo GV và SV sư phạm.
Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận bất cập trong việc theo dõi, thu hồi kinh phí trong trường hợp nếu phải bồi hoàn. Theo Bộ GD-ĐT, Nghị định 116 giao UBND cấp tỉnh là cơ quan theo dõi và đôn đốc SV sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng các địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho SV sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, các địa phương không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện, gây khó khăn cho việc triển khai.
Đề nghị không thực hiện giảm biên chế 10% viên chức ngành giáo dục
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết đội ngũ GV ở địa phương có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 95,76%. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho GV đi đào tạo nâng chuẩn hơn 3 tỉ đồng. Song song đó là xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho GV và cán bộ quản lý thực hiện chương trình GDPT năm 2018 với số tiền hơn 14 tỉ đồng.
Với việc đầu tư và tình trạng thiếu GV chưa giải quyết được, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét, không thực hiện chủ trương giảm biên chế 10% viên chức ngành giáo dục theo lộ trình.
Thanh Duy
Cần cơ chế tuyển dụng đặc thù
Bà Võ Thị Lệ, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), cho hay năm nào ngành giáo dục huyện cũng tuyển dụng nhưng tình trạng thiếu GV vẫn diễn ra. Huyện đã đề nghị tỉnh nên có cơ chế đặc biệt, chẳng hạn sau thời gian công tác tốt có thể xét tuyển vào biên chế chứ chính sách hỗ trợ vài triệu đồng cũng không đủ sức giữ chân đội ngũ. Một trong những giải pháp lâu dài để lấp "khoảng trống" này là xây dựng đội ngũ GV người địa phương tại chỗ.
Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, thừa nhận những năm gần đây dù địa phương tổ chức thi tuyển nhưng nhiều nơi vẫn không đáp ứng chỉ tiêu đề ra. Theo ông Tường, tình trạng thiếu GV xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, đối với cấp bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định của luật Giáo dục năm 2019, theo đó nâng mức chuẩn của GV tiểu học từ trung cấp lên ĐH dẫn đến thiếu do số lượng đăng ký tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu của địa phương, mặc dù năm nào cũng tổ chức thi tuyển.
Riêng đối với các huyện miền núi thì sau thời gian công tác, nhiều GV xin về lại đồng bằng, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng, dẫn đến thiếu nghiêm trọng. Để lấp "khoảng trống" thiếu GV như hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo, phân cấp về cho các địa phương triển khai công tác tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục qua từng năm. Trong trường hợp thiếu GV biên chế thì tiếp tục hợp đồng GV trong số lượng người làm việc được giao để đảm bảo chủ trương "có học sinh thì phải có GV".
"Về lâu dài, HĐND tỉnh sẽ ban hành một cơ chế, chế độ, chính sách cho GV miền núi như hỗ trợ thêm kinh phí ngoài lương được nhận để giữ chân họ. Ngoài ra, nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực bền vững, lâu dài cho ngành giáo dục, tỉnh đang có chủ trương đặt hàng đào tạo GV cho các trường ĐH sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ", Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam nói.
Mạnh Cường