Sau quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em (dù mồ côi hay còn bố mẹ) sống sót sau trận lũ quét lịch sử ở Làng Nủ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), lập tức bắt tay thực hiện các công việc cần thiết.
Từ ngày 30.9 - 1.10, ông Khang cử nhóm cán bộ của trường đến Làng Nủ, thăm các gia đình có trẻ em may mắn còn sống sót sau trận lũ kinh hoàng, đến bệnh viện nơi các em đang điều trị, vào từng trường có học sinh Làng Nủ đang học để gửi gắm những chia sẻ, yêu thương từ thầy trò Trường Marie Curie. Đoàn công tác cũng đã khảo sát, lập danh sách các em thoát nạn trong trận lũ quét để đưa vào kế hoạch chăm sóc của ông.
Chiều 1.10, danh sách mà ông Nguyễn Xuân Khang chờ đợi đã hoàn thành với 22 em, được xếp theo thứ tự tuổi từ nhỏ đến lớn. Hai bé nhỏ nhất đều đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi. 3 em lớn tuổi nhất đều đang học lớp 12 tại H.Bảo Yên, trong đó có cậu học sinh Nguyễn Văn Hành, người đầu tiên được ông nhận nuôi ngay từ tháng 9 để ngăn suy nghĩ "bỏ học để kiếm sống khi chỉ còn lại một mình trên đời" mà em chia sẻ trong phóng sự truyền hình của Báo Thanh Niên.
Danh sách của từng đứa trẻ được lập bởi một phiếu khảo sát do cán bộ Trường Marie Curie thực hiện với những thông tin chi tiết, cụ thể. Nhìn vào từng phiếu khảo sát, có thể hình dung thân phận, tình cảnh của mỗi em hiện nay.
Sau trận lũ quét, có những bé chỉ còn lại một mình. Bé Hoàng Ngọc Lan, mới 6 tuổi, vừa vào lớp 1 Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh được vài hôm. Chỉ trong tích tắc của buổi sáng 10.9, Lan đã mất tất cả: bố, mẹ, 2 người anh trai và ngôi nhà vốn là tổ ấm của cô bé ở lứa tuổi vô lo, vô nghĩ. Hiện Lan ở với bà và chú ruột và đang chờ pháp luật công nhận chú ruột sẽ là người giám hộ của bé. Chờ những thương tích sau trận lũ lành lại, bé sẽ trở lại trường…
Hoàng Gia Bảo (7 tuổi), Hoàng Xuân Phúc (15 tuổi) là hai anh em ruột, vốn có một gia đình tràn ngập tiếng cười của bố mẹ với một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay trong thôn. Cuộc sống chưa gọi là khá giả nhưng không thiếu thốn nhờ vào sự nhanh nhẹn, tần tảo của bố mẹ các em. Nay bố mẹ đều không còn, Bảo đang điều trị thương tích khá nặng ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chỉ có anh trai để nương tựa, để mong ngóng ngày đoàn tụ khi ra viện. Phúc cũng chỉ có Bảo để thêm nghị lực sống tiếp, học tiếp còn chăm lo cho em…
Cũng có những em gia đình khuyết một nửa sau thiên tai: còn bố thì mất mẹ, bản thân sống sót nhưng anh, chị, em ruột bị lũ cuốn mất, có người còn mất tích, chưa tìm thấy thi thể để hoàn tất những thủ tục cuối cùng của đời người…
Bù đắp yêu thương
Chia sẻ với PV Thanh Niên chiều 2.10, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nói: "Có đầy đủ, cụ thể và chính xác thông tin cần thiết của các con rồi, tôi chính thức nhận "nuôi" các con từ nay đến hết 18 tuổi, bằng cách mỗi tháng gửi cho mỗi con 3 triệu đồng để ăn học. Dự án bắt đầu từ tháng 10.2024 cho đến năm 2039, 15 năm".
Theo tính toán của vị lãnh đạo Trường Marie Curie, 15 năm nữa dự án mới có thể kết thúc là vì những bé nhỏ tuổi nhất trong danh sách sẽ tròn 18 tuổi, còn ông thì bước vào tuổi 90. "Bây giờ tôi là người "ham sống nhứt"! "Ông nội" của 22 bé Làng Nủ mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành", ông Khang nghẹn lời chia sẻ.
Nhưng ông cũng nói ngay: "Dù "ông nội" phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con. Gia đình ông và Trường Marie Curie sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện ấy"…
Nhận "nuôi" mỗi đứa trẻ, với nhà giáo Nguyễn Xuân Khang không chỉ là mỗi tháng gửi cho các con một khoản tiền đủ trang trải cho việc ăn học mà còn theo dõi và kịp thời hỗ trợ trong suốt quá trình các con lớn lên. Bởi vậy, danh sách không chỉ có tên tuổi, trường lớp, thông tin người thân, người bảo trợ… của mỗi đứa trẻ mà còn có tên và thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm của các em.
Theo ông Khang, ngoài những người thân của các em thì giáo viên chủ nhiệm là người mà ông sẽ phải "dựa" vào để biết các em lớn lên, học tập và trưởng thành ra sao. Các thầy cô là những người gần gũi, sát sao nhất khi các em ở trường.
"Nếu sau trận lũ, các con muốn vào ở ký túc xá của trường nhiều hơn thì tôi cũng có thể giúp xây thêm phòng ở bán trú, nội trú, trang bị thêm các vật dụng cần thiết cho việc ăn ở để các con tập trung học tập, sinh hoạt tập thể, bớt cảm giác bơ vơ khi thiếu vắng người thân…", ông Khang chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Mai Hoa, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (nơi có tới 13 học sinh tử vong, 7 em bị thương sau trận lũ kinh hoàng ở Làng Nủ), cho biết: "Khi nhận được thông tin thầy Khang, một người thầy ở Hà Nội chưa từng quen biết, nhận nuôi các con đến khi trưởng thành tôi cảm động và bất ngờ đến "nổi gai ốc". Có người nhận chăm lo đến 18 tuổi, các con yên lòng, sẽ nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn và tiếp tục cố gắng trong học tập. Những người làm thầy, làm cô giáo như chúng tôi cũng không nơm nớp nỗi lo các con phải bỏ dở việc học vì hoàn cảnh quá khó khăn nữa…".
Ở Trường Marie Curie, từ lâu học trò cũng thường gọi nhà giáo Nguyễn Xuân Khang là "ông nội". Biết ông nội nhận nuôi thêm nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi ở Làng Nủ, biết sắp có các thầy của trường lên thăm các bạn, rất nhiều học sinh Trường Marie Curie đã tự tay cắt các mảnh giấy hình trái tim, nắn nót viết lời động viên các bạn.
"Các bạn đừng buồn nữa, hãy cố gắng lên nhé"; "Tớ chúc cậu mạnh khỏe, vượt qua nỗi sợ bão lũ. Tớ mong cậu sớm đi học trở lại…", "Bão lũ đã qua rồi, cố lên bạn nhé…" là những lời nhắn nhủ của các "Mcer" nhờ "tổ công tác đặc biệt" của trường gửi đến các bạn nhỏ ở Làng Nủ.