Dự lễ khai mạc có Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Hoàng Minh Cường và ông Lasse Pedersen Hjortshoj, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam…
Theo ban tổ chức, vòng chung kết cuộc thi có 200 đội tuyển với 600 thí sinh đến từ các bậc tiểu học, THCS và THPT tại các tỉnh, thành phố phía bắc, chia thành 3 bảng B0, B1, B2 thi đấu. Trong đó, bảng B1 và B2 dành cho học sinh THCS và THPT, bảng B0 dành cho học sinh tiểu học. Chủ nhà Hải Phòng có 65 đội thi với hơn 200 học sinh.
24 đội đạt thành tích xuất sắc nhất tại bảng B1 và 18 đội tại bảng B2 sẽ được chọn đi tiếp vào thi chung kết toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM vào các ngày 23 - 24.8, từ đó tìm ra 16 đội xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Robot thế giới World Robot Olympiad 2024 sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Riêng bảng B0 có 10 đội phía bắc đại diện Việt Nam đi thi đấu tại Singapore.
Cuộc thi năm nay với chủ đề "Đồng minh của trái đất" đã thu hút 488 đội với 1.500 thí sinh đến từ 369 trường tiểu học, THCS và THPT tại 28 tỉnh, thành: TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế…
Ban tổ chức đã xây dựng các thử thách phù hợp lứa tuổi để các thí sinh giải quyết bằng những giải pháp sáng tạo về công nghệ, robot tự động hóa như: Nông nghiệp bền vững - Trang trại xanh (sơ cấp); Xây dựng thành phố xanh (trung cấp); Bảo vệ ngôi nhà trái đất (cao cấp)... là những đề tài độc đáo đã đem lại thử thách thật sự cả về kỹ năng lắp ráp robot lẫn tư duy logic, hiểu biết xã hội cho các tuyển thủ robot nhí.
Cuộc thi không chỉ đòi hỏi kỹ năng của các em về robot, mà còn phần nào mô phỏng về các giải pháp xanh trong thực tế đang được thực hiện. Từ đó, giúp các em có thể phát triển tư duy vận dụng công nghệ để giúp giải quyết các vấn đề như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên quá mức, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu...
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, trong nhiều năm qua, Hải Phòng đã đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện và định hướng trở thành trung tâm công nghệ cao mới trong cả nước.
Để đạt đến mục tiêu đó, thành phố đã bắt đầu các công tác thực hiện trải dài trên nhiều lĩnh vực và xác định muốn đạt được mục tiêu này một cách lâu dài và bền vững thì giáo dục và đào tạo chính là mũi nhọn cần phải được quan tâm sâu sát và đầu tư đúng mức.
Thông qua giáo dục STEM robot để phát triển kỹ năng công dân số, bao gồm: đổi mới sáng tạo, tư duy phản biện và ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết vấn đề trong bối cảnh toàn cầu hóa cho giáo viên và học sinh là một trong số các hoạt động mà Hải Phòng đã và đang triển khai trên toàn thành phố.
Ông Cường hy vọng sau sự kiện này, các học sinh sẽ tiếp tục phát huy, ứng dụng được những kiến thức và kỹ năng đã đúc kết được trong quá trình học tập, rèn luyện và trong cuộc thi để không chỉ đạt được những thành tích thật cao ở chung kết quốc gia tại TP.HCM sắp tới mà sẽ là các đại diện Việt Nam tham gia vào vòng chung kết tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Lasse Pedersen Hjortshoj, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết ông và các nhà đồng hành rất vui mừng bởi cuộc thi đã thu hút nhiều học sinh tham gia cũng như sự quan tâm của bộ, ngành giáo dục, lãnh đạo các địa phương, nhà trường và doanh nghiệp… Số thí sinh tham dự năm sau cao hơn năm trước, chất lượng thí sinh cũng luôn được nâng cao.