Với những ai lớn lên ở mảnh đất hoa lệ, hình ảnh những chiếc xe chở đầy thức quà thân thương này có lẽ đã hằn sâu vào trong tâm trí. Dù cuộc sống hiện đại nhiều thay đổi, những xe cóc vàng ươm dưới ánh nắng vẫn mang lại cảm giác thân quen, bình yên và hoài niệm đến lạ.
Thức quà chẳng bao giờ ế ở TP.HCM
Tôi ít khi ăn đồ chua, ấy vậy mà vẫn bị mấy xe cóc vàng ươm trên đường phố quyến rũ. Thấy tôi dừng xe, bà Năm (84 tuổi, ở Q.3) đon đả chào mời: “Mua đi cô, hộp gọt sẵn bốn chục, trái nguyên thì một cân sáu, bảy chục tùy loại. Hàng tôi bán bao ăn, bao ngon mấy chục năm nay”.
Bà Năm là người có thâm niên trong nghề bán cóc dạo ở TP.HCM. Xe cóc này đã đồng hành với bà từ thời trẻ. Bà kể, hồi trước bà bán ở chợ, về sau sắm chiếc xe thì chuyển lên đường Trương Định để bán, ngót nghét cũng 20 năm.
Trước đây, có khoảng thời gian bà Năm bán gần nửa tạ cóc mỗi ngày, thu nhập vài chục triệu đồng một tháng. Nhưng kể từ sau dịch Covid-19, khách khứa cũng thưa dần, kinh tế khó khăn nên người ta cũng tiết kiệm, giảm bớt các khoản ăn vặt.
“Ngày xưa, có những ngày tôi gọt cóc không kịp tay, người xếp hàng đứng đợi mua cóc kéo dài cả hàng. Có người đến mua thấy khách đông quá cũng xắn tay vào gọt cóc, sớt muối vào bao giúp một tay. Bây giờ, ngày nào đắt khách lắm thì bán được chừng 20 hộp, chủ yếu là bán lấy niềm vui và chút tiền uống cà phê tuổi già. Thức quà này dù không còn thịnh hành nhưng không phải ế, người bán như chúng tôi vẫn sống vui, sống khỏe được với nghề. Chỉ là không giàu có thôi”, bà Năm cười lớn, sau đó đưa cho tôi một miếng cóc ăn thử.
Cóc chín vàng nhưng không bị mềm, còn nguyên vị chua thanh, chấm với một chút muối ớt do bà Năm tự tay giã là “hết nước chấm”. Buôn bán mấy chục năm, bà Năm tự hào mình thuộc lòng mọi con đường, số nhà ở khu trung tâm Q.1, Q.3, đặc biệt là đường Trương Định.
“Ngày trước loanh quanh khu này, xe bán cóc chín, trái cây rồi bánh tráng trộn nhiều lắm. Đó đều là những thức quà gắn liền với tuổi thơ những người sống ở TP.HCM. Hồi đó làm gì có nhiều tiền, phải nhịn ăn sáng cả tuần mới dám mua một món. Giờ đây điều kiện khá hơn, trong siêu thị cũng bày bán đủ thứ trái ngon nhưng nhiều người vẫn mê cóc chấm muối”, bà Năm nhớ lại.
Anh Huỳnh Ngọc Bánh (34 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) tranh thủ ghé mua 3 hộp cóc mang đến công ty mời đồng nghiệp cùng ăn. “Tôi ăn cóc của bà cũng nhiều năm, hồi trước làm công ty gần đây, xế chiều nào cũng mua vài hộp. Nay chuyển địa điểm đi xa, khi nào có dịp ghé ngang qua đây cũng phải mua ăn cho đã cơn thèm, cơn nhớ”, anh nói.
Cầm 2 trái cóc lên tay, bà Năm bắt đầu chỉ cho tôi cách phân biệt và chọn được một trái cóc ngon. Theo bà, loại cóc này thường chỉ có ở miền Nam vì nó là giống loài ưa nắng. Giống này cũng ít xơ, càng ăn vào sâu thì càng ngon và ngọt. Nên chọn những quả to, màu vàng nhạt, có độ cứng vừa phải. Quả nào quá sần sùi thì thích hợp cho những ai “đạo” chua.
Bí quyết giữ khách bao năm qua
Những ai muốn ăn cóc chín, phải tranh thủ trước khi hết mùa. Theo lời của những người bán cóc trên đường phố TP.HCM, loại trái này sẽ hết vào tháng 11, 12. Thời gian này, nhà vườn dưỡng cây, chăm bón chuẩn bị cho mùa thu hoạch năm sau.
Dù đã là U90 nhưng bà Năm buôn bán vẫn rất nhanh nhẹn, gọt vỏ cóc mỏng tanh để không bị lẹm nhiều phần thịt của trái. Nửa đời buôn bán, mưu sinh bằng nghề bán cóc dạo đã mang lại cho bà Năm một cuộc sống ổn định, có tiền nuôi con ăn học thành tài.
Tiết lộ về bí mật giữ chân khách hàng, bà cho hay buôn bán cần có cái tâm. Bà luôn cân đúng, cân đủ và bán chuẩn giá cho khách. Bất kể đó là người Hà Nội vào mua hay khách du lịch, người nước ngoài, bà đều nói không với chặt chém.
“Tôi bán ở đây, thấy ai khổ thì tôi bán rẻ hoặc nhằm khi cho luôn. Mình ăn cũng hết, cho người ta ăn lấy thảo cùng vui. Tôi cho người ta, ông trời lại cho tôi cái khác như sức khỏe, minh mẫn, bao năm qua vẫn có khách khứa lại mua. Mình buôn bán cần có đạo đức thì mới lâu dài. Bởi vậy, tôi bán mấy chục năm mà có giàu nổi đâu”, bà nói rồi cười một tiếng giòn tan.
Thức giấc lúc 3 giờ sáng để chờ mối tới bỏ cóc, sau đó phân loại và rửa sạch, cắt gọt rồi bày hàng ra bán. Mỗi ngày của bà đều diễn ra đều đặn như thế, nhìn người phụ nữ cười, tôi thấy trong mắt bà lấp lánh niềm vui khi được làm cái nghề mà bà yêu.
Dù đời sống không quá khá giả, bà Năm vẫn sẵn sàng cho đi. Thấy người ăn xin, bán vé số khố rách áo ôm, bà gọi lại tặng vài đồng ăn cơm hay mua ổ bánh mì. Rồi những người khá giả, giàu có thấy vậy lại đến mua ủng hộ cho bà, xem như lấy phần mình bù cho phần người ta. Người TP.HCM là thế, hào sảng, nghĩa tình.
Bà còn giải thích thêm cho tôi về công dụng của trái cóc, rằng đây là loại trái rất tốt cho sức khỏe. Ai bị chướng bụng, khó tiêu, đắng miệng, mất vị giác, chỉ cần cắn một miếng là khỏe ngay.
Cóc chín có thể ăn kèm với 2 loại muối là muối hột tự giã hoặc muối tôm Tây Ninh. Chấm muối giã thì mặn và cay, muối Tây Ninh thì thơm nhưng sẽ có hơi lấn át mùi thơm tự nhiên của cóc. Nghe bà nói đến đây, tôi phải nuốt nước bọt ừng ực.
Hết mùa cóc, bà Năm chuyển sang bán các loại trái khác như ổi, xoài, mía, mận… Nhưng cũng chỉ bán với số lượng ít vì khách không ưa chuộng bằng cóc chín.
Những chiếc xe chở đầy trái cây và những thức quà bình dị khác, chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một nét đặc trưng rất riêng của đường phố Sài Gòn. Và hơn hết, những người như bà Năm chính là người “níu giữ” tuổi thơ cho biết bao thế hệ thị dân.