Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Sở Công thương, UBND H.Đăk Glei và các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, làm rõ các nội dung trên, kiên quyết xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Dự án thủy điện Đăk Mi 1 và 1A khởi công xây dựng từ năm 2009. Trong đó, thủy điện Đăk Mi 1 có 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy là 42 MW (tổng công suất là 84 MW), thủy điện Đăk Mi 1A có công suất 11 MW.
Trước đó, có một số thông tin phản ánh trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công thủy điện không đổ đất đá ra bãi thải mà đổ ngay xuống sông, suối.
Theo đại diện Ban Dự án thủy điện Đăk Mi 1 và 1A, quá trình thi công, đơn vị tạm đổ thải ra sông để tạo độ rộng cho khúc cua trên Tỉnh lộ 673. Sau này, đơn vị sẽ cho dọn sạch chỗ đất đá trên và chuyển đi nơi khác. "Khi thủy điện hoàn thành và tiến hành ngăn dòng, đất đá sẽ làm nông cạn lòng hồ thì chủ đầu tư nạo vét càng tốn kém chi phí hơn", vị này cho biết.
Được biết, để thực hiện 2 dự án trên, UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích trên 65 ha rừng thuộc tiểu khu 55, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Cụ thể, dự án thủy điện Đăk Mi 1 là 46,7 ha và Đăk Mi 1A là 18,46 ha.
Trong quá trình triển khai thực hiện, thủy điện Đăk Mi 1 và 1A đã vướng phải nhiều vi phạm như: chậm tiến độ, chậm trễ tái định canh, định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Vì những vi phạm này, năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã ra tối hậu thư sẽ thu hồi dự án nếu thủy điện này còn chậm tái định cư, định canh, chậm tiến độ.