3 nạn nhân ở tỉnh Long An
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi xảy ra vụ tàu kéo và sà lan bị chìm trên biển Lý Sơn, ông Lê Văn Trung (ở xã Long Hựu Đông, H.Cần Đước, Long An) đã đến Quảng Ngãi để nhận dạng người thân.
Theo ông Trung, khi nghe tin qua báo, đài về vụ tai nạn nói trên, ông đến nhà em gái xác minh và biết em rể là Võ Văn Sông có đi trên chuyến tàu gặp nạn. Ông Trung vội bắt xe ra Quảng Ngãi để nắm tình hình.
Khi được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cung cấp hình ảnh các nạn nhân đã tìm thấy thi thể, ông Trung nhận ra danh tính của 3 người.
"Ngoài thi thể em rể Võ Văn Sông, 2 thi thể khác cũng là người quen ở cùng xã Long Hựu Đông, có tên là Đặng Văn Nhung và Đặng Văn Ước", ông Trung nói.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã liên hệ với gia đình các nạn nhân được xác định ở tỉnh Long An. Các gia đình đều mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ đưa người thân về quê an táng.
Như vậy, so với khai báo đăng ký danh sách ban đầu của đơn vị thuê tàu với cơ quan chức năng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) thì tên của thuyền viên trên tàu không đúng. Cụ thể, trong khai báo có 5 người, gồm: Phạm Văn Hiệp, Đặng Minh Phương, Võ Tấn Khương, Võ Văn Nhiều và Bùi Minh Trí.
Còn Võ Văn Sông, Đặng Văn Nhung và Đặng Văn Ước không có trong danh sách thuyền viên khai báo với Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Quảng Nam).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Công ty TNHH MTV Minh Linh (chủ tàu kéo và sà lan bị chìm), cho biết trong hợp đồng chỉ thuê ông Phạm Văn Hiệp làm thuyền trưởng, còn ông Hiệp gọi thêm người đi trên tàu thì công ty này không nắm được.
"Sự việc đến nước này, tài sản cũng mất hết rồi, chỉ mong kiếm được người thôi. Chúng tôi chỉ nghe 5 người trên tàu chứ không biết chính xác là bao nhiêu", ông Tuấn nói.
Không hiểu vì sao có sự khác biệt về thuyền viên
Đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu và sà lan để chở đá) cho rằng, theo hợp đồng thỏa thuận giữa công ty với phía chủ tàu, trên tàu và sà lan có 3 người. Tuy nhiên, theo quy định phải có đủ 5 người thì tàu mới được hoạt động bao, gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, thợ máy. Do đó, công ty có thuê thêm 2 người là ông Bùi Minh Trí (thủy thủ) và Võ Văn Nhiều (thợ máy) để vận hành sà lan và tàu kéo theo đúng quy định.
"Công ty có thuê ông Nhiều, ông Trí làm việc và trực tiếp trả tiền công theo chuyến. Còn vì sao lại có sự khác biệt về thuyền viên thì công ty không hiểu được. Chuyến sà lan gặp sự cố là chuyến chở đá hộc thứ 5 được thực hiện để chở đá từ cảng Kỳ Hà ra đảo Lý Sơn", đại diện diện Công ty TNHH Lý Tuấn cho biết thêm.
Tối 24.4, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng để chỉ đạo công tác tìm kiếm thuyền viên mất tích trong vụ tàu kéo và sà lan bị chìm ở gần đảo Lý Sơn. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu các đơn vị làm rõ vì sao danh sách đăng ký và số lượng thuyền viên thực tế trên tàu kéo và sà lan bị chìm khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Sang yêu cầu các đơn vị vận tải phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tổ chức bảo quản thi thể các thuyền viên và tạo điều kiện thuận lợi đưa người nhà các thuyền viên đến Quảng Ngãi để nhận diện lần nữa. Đồng thời, hỗ trợ tối đa về phương tiện để đưa các thuyền viên xấu số về quê an táng.
"Các lực lượng tiếp tục tổ chức tìm kiếm thuyền viên mất tích. Các cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vì sao có sự thay đổi danh sách thuyền viên trên tàu", ông Sang nói.
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 24.4, tàu LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 đang từ Kỳ Hà (Quảng Nam) đi Lý Sơn (Quảng Ngãi), khi đến khu vực biển cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý thì xảy ra sự cố khiến cả tàu kéo và sà lan bị chìm. Hiện cơ quan chức năng đã phát hiện được 4 thi thể gần vị trí xảy ra tai nạn, sà lan bị chìm đã được kéo vào bờ. Hiện tàu kéo vẫn còn chìm dưới biển.
Cơ quan chức năng xác định tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 làm thủ tục rời khỏi cảng Kỳ Hà lúc 10 giờ sáng 23.4 và xuất bến lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày. Hàng hóa trên sà lan là đá hộc chở từ cảng Kỳ Hà vào đảo Lý Sơn để phục vụ thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình.