Đáng chú ý, toàn tỉnh Quảng Bình còn 32.767 hộ bị ngập lụt, riêng huyện vùng trũng Lệ Thủy có 19.762 nhà bị ngập (trong đó có 8.018 nhà ngập sâu trên 1 m), còn lại ở H.Quảng Ninh (12.005 nhà), TP.Đồng Hới (1.000 nhà).
Ngoài ra, vẫn còn 58 thôn bản bị chia cắt, chủ yếu ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy (H.Lệ Thủy), Trường Sơn, Trường Xuân (H.Quảng Ninh)...
Tính đến rạng sáng 29.10, tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ (3.681 nhân khẩu) đến nơi an toàn; sơ tán tại chỗ 9.123 hộ. Quảng Bình cũng ghi nhận 1 người chết ở xã Thái Thủy (H.Lệ Thủy) và 1 người mất tích ở xã Gia Ninh (H.Quảng Ninh) trong lũ dữ.
Thống kê cũng cho thấy, Quảng Bình thiệt hại 300 ha hoa màu; 4.000 con gia cầm; 310 ha nuôi trồng thủy sản; 3 tàu cá bị chìm; sạt lở 1,5 km kè biển…
Theo ghi nhận của Thanh Niên vào sáng nay 29.10, mưa trên địa bàn đã ngớt, tại H.Lệ Thủy nước đang rút chậm. Tuy nhiên, khuya qua (28.10), khi mưa vẫn nặng hạt, nhiều người dân đã gọi điện và viết lên mạng xã hội nhiều lời cầu cứu.
Trước tình hình này, lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là tại H.Lệ Thủy và H.Quảng Ninh đã triển khai lực lượng, phương tiện về vùng ngập sâu để ứng cứu người dân.
Lực lượng vũ trang các địa phương đã huy động 11 xuồng, ca nô, phương tiện vận tải cùng 500 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy quân sự các huyện và dân quân cơ động phối hợp di dời dân. Lực lượng Bộ đội biên phòng cũng đã xuất ca nô tại các đồn biển vào ứng cứu người dân các xã vùng giữa của H.Lệ Thủy.
Suốt 2 ngày nay, Công an H.Lệ Thủy và công an cơ sở đã dầm mình trong mưa lũ để cứu dân. Trả lời Thanh Niên, thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng công an H.Lệ Thủy, cho biết lực lượng vũ trang ở địa phương đang gần như huy động toàn bộ, người phương tiện về các vùng ngập lụt, xung yếu để giúp dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.