Trắng đêm giúp dân chạy lũ

09:42 - 29/10/2024

Phía bắc Quảng Trị và phía nam Quảng Bình trở thành nơi đón lượng mưa đặc biệt lớn và tạo nên những vùng rốn lũ sau bão số 6 (Trà Mi). Nhiều làng mạc bị lũ nhấn chìm cùng hàng chục ngàn nhà dân…

Hơn 28.000 nhà dân bị ngập

Đến chiều tối 28.10, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn khoảng hơn 28.340 nhà dân bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 6. Nặng nề nhất là huyện vùng trũng Lệ Thủy với hơn 16.000 nhà dân, kế đến là H.Quảng Ninh (khoảng 10.000 nhà), còn lại là TP.Đồng Hới và một số huyện lân cận. Hiện 1.205 hộ dân (3.522 nhân khẩu) ở Quảng Bình đã di dời đến nơi an toàn.

Trắng đêm giúp dân chạy lũ

Một góc TT.Kiến Giang (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) mênh mông nước lũ

ẢNH: THANH LỘC

Đêm 27.10 rạng sáng 28.10 thực sự là "đêm trắng" với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân H.Lệ Thủy, khi mực nước sông Kiến Giang đã vượt mức báo động 3. Lượng mưa nhiều nơi đo được từ 500 - 700 mm. Toàn bộ các xã vùng giữa của H.Lệ Thủy gồm: An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy… và vùng phụ cận đều ngập lênh láng, phương tiện duy nhất để di chuyển là đò máy. Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng công an H.Lệ Thủy, cho biết lực lượng vũ trang ở địa phương gần như huy động toàn bộ người và phương tiện về các vùng ngập lụt, vùng xung yếu để giúp dân chạy lũ.

Trắng đêm giúp dân chạy lũ

Hàng trăm người dân ở xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) được Công an tỉnh Quảng Trị ứng cứu trong đêm 27.10

 

Đến cuối giờ chiều qua 28.10, toàn H.Quảng Ninh có 52 thôn, bản, tổ dân phố bị chia cắt, trong đó hơn 885 hộ (2.400 nhân khẩu) phải di dời khẩn cấp. Lũ lụt bủa vây các xã Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh…; trong khi miền núi Trường Xuân, Trường Sơn đang đối diện nguy cơ sạt lở. Ngay cả người dân ở TP.Đồng Hới cũng phải di chuyển bằng thuyền vì ngập lụt diện rộng. Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, tại tổ dân phố Phú Thượng (P.Phú Hải, TP.Đồng Hới) có khoảng 350 nhà dân bị ngập. Bà Phạm Thị Lê (64 tuổi) ôm cháu nhỏ bật khóc khi nhìn nước lũ tràn từ đường phố vào nhà. "Từ năm 2020 đến nay mới lụt kiểu này. Nước lên nhanh quá", bà Lê nói.

Mệnh lệnh tối thượng: đảm bảo tính mạng, tài sản người dân

Ở phía nam, nhiều người dân Quảng Trị cũng trải qua "đêm trắng" kéo dài từ khuya 27.10 đến rạng sáng 28.10. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời và chuyên nghiệp của lực lượng Công an H.Vĩnh Linh và Phòng Cảnh sát PCCC - Tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh Quảng Trị thì không biết số phận của hàng trăm người dân ở xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh) sẽ ra sao.

Trắng đêm giúp dân chạy lũ

Giữa lòng TP.Đồng Hới (Quảng Bình) những người dân tổ dân phố Phú Thượng (P.Phú Hải) như đi giữa sông

 

Trong đêm tối, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, người dân ở khu vực này phải cầu cứu qua điện thoại và mạng xã hội. Toàn xã Vĩnh Long lúc đó có nơi ngập từ 2 - 2,5 m, hệ thống giao thông đều chìm trong nước, mất điện, cô lập hoàn toàn… Các phương tiện như xuồng chuyên dụng được lực lượng cứu hộ chuyển vào tận các thôn làng đã kịp giải cứu những cụ già, trẻ nhỏ và phụ nữ ra ngoài.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ công an bồng bế người dân trên lưng sẽ làm nhiều người nhớ mãi. Đi đến hiện trường vùng lũ kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời dân, đại tá Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, yêu cầu công an cơ sở cần mang mệnh lệnh tối thượng là đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân.

Trắng đêm giúp dân chạy lũ

Lực lượng chức năng H.Quảng Ninh (Quảng Bình) đưa người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn

 

Chiều tối 28.10, Quảng Bình vẫn còn mưa lớn, vùng rốn lũ Lệ Thủy lũ vẫn đang lên nhanh. Lũ lớn khiến địa phương tạm thời "từ chối" đề nghị ứng cứu từ các đoàn cứu trợ ở TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… đang dự tính ra vùng lũ.

TP.HCM và Nam bộ hứng mưa to kèm sấm sét kỷ lục

Đêm 27 rạng sáng 28.10, nhiều người dân TP.HCM bất ngờ tỉnh giấc khi nghe tiếng sấm liên tục trong khi mưa rất to.

ThS Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, giải thích: Hiện tượng sấm sét vừa qua ở TP.HCM và Nam bộ do khu vực này chịu tác động bởi các hình thái thời tiết gây mưa gồm dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 6. Trong khi đó, nền nhiệt độ khá cao cộng với độ ẩm không khí cao làm cho không khí trở nên bất ổn định. Sự xáo trộn trong không khí rất mạnh, khiến mây đối lưu hình thành và phát triển gây nên mưa giông và sấm sét. "Trong những ngày tới, các hình thái thời tiết gây mưa vẫn tồn tại, đặc biệt là dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang Trung bộ. Bên cạnh đó là cơn bão phía đông của Philippines đang mạnh lên cũng kích thích gió mùa tây nam hoạt động mạnh hơn. Điều này khiến thời tiết TP.HCM và Nam bộ tiếp tục nhiều mây, mưa vừa và giông, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to. Trong cơn giông đề phòng sét và gió giật mạnh", ông Quyết khuyến cáo.

Chí Nhân

Miền Trung vẫn mưa lớn sau bão số 6

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự báo từ ngày 29 - 30.10, ở khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa từ 80 - 160 mm, có nơi trên 250 mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (trên 100 mm/3 giờ).

Trong ngày 29.10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có khả năng lên trở lại, đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn có khả năng ở mức dưới báo động (BĐ) 3 đến BĐ2. Lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) sẽ đạt đỉnh và xuống chậm nhưng vẫn ở mức trên BĐ3 khiến ngập lụt trên diện rộng tiếp tục xảy ra tại vùng hạ lưu sông.

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), mưa lớn do bão số 6 đã khiến 19 điểm quốc lộ, tỉnh lộ tại Quảng Bình bị ngập; các tuyến đường tỉnh 573A, 576C và 588A tại Quảng Trị bị ngập cục bộ từ 0,3 - 1 m, tắc giao thông.

Bão số 6 cũng khiến 296 nhà tốc mái, hư hỏng; 1,15 km kè, kênh mương hư hỏng (Quảng Trị); 8,6 km bờ biển bị xói lở; 1.033 cây xanh đô thị bị gãy đổ (Quảng Bình 15, Quảng Trị 14, Quảng Nam 95, Đà Nẵng 909).

Đình Huy

Tại Quảng Bình, tính đến cuối ngày 28.10 đã có 3 người chết, mất tích do mưa lũ. Đó là trường hợp của anh Lê Ngọc Hơn (22 tuổi, ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, H.Lệ Thủy) gặp nạn khi đi giúp dân; ông Phạm Văn Cứ (64 tuổi, ở thôn Trường An, xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh) bị lật thuyền khi đi tránh lũ; ông Nguyễn Văn Lữ (63 tuổi, trú thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh) trượt chân khi ra kiểm tra hồ cá.

Mưa lũ sau bão số 6 cũng cuốn trôi, xói lở hàng trăm mét nền đá, tà vẹt, đường ray khiến tuyến đường Sa Lung (Quảng Trị) - Đồng Hới (Quảng Bình) bị thiệt hại nghiêm trọng. Hôm qua 28.10, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cùng các đơn vị ngành đường sắt huy động thiết bị, vật tư cùng hơn 150 cán bộ, công nhân khắc phục đoạn đường sắt bị xói lở nặng phía nam ga Sa Lung. Hành khách được chuyển tải bằng ô tô qua lại giữa 2 ga Đông Hà (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).

Trắng đêm giúp dân chạy lũ

Đoạn đường sắt bị nước lũ uốn cong, xé toạc đang được công nhân sửa chữa tích cực

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Phía sau cái chết - SCTV14

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Cư gia binh đoàn: Phim về đề tài gia đình hấp dẫn

Bàn tay nhân ái III: Nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...