Tại dự thảo mới nhất, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính ngân sách đề xuất áp mức thuế 10% thay vì 5% (theo phương pháp tính thuế trực tiếp) như hiện nay với dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại VN qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng số.
Nêu ý kiến, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nhận định chính sách trên là chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu dịch vụ sản xuất ở trong nước thì cơ quan thuế VN có thể quản lý, khấu trừ đầu vào; còn trường hợp dịch vụ được sản xuất ở nước ngoài thì không thể quản lý chi phí phát sinh, nếu cứ thu triệt để 10% trên doanh thu sẽ là bất bình đẳng với doanh nghiệp tại thị trường trong nước.
ĐB Lâm cũng băn khoăn việc áp thuế suất VAT 10% đối với nhà cung cấp nước ngoài nhưng không khấu trừ được đầu vào, liệu có vi phạm nguyên tắc tránh đánh thuế 2 lần đối với các cam kết quốc tế mà VN đã thỏa thuận hay không. "Đây là vấn đề cần nghiên cứu, tính toán thêm", ĐB Lâm nêu.
Ngược lại, ĐB Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) cho rằng nguyên tắc lớn nhất của thuế VAT là đánh thuế tại nơi tiêu dùng. Với các dịch vụ do nhà cung cấp nước ngoài bán vào VN, điển hình như Netflix, bà Chi nói: "Chúng ta được quyền đánh thuế VAT".
Bà Chi phân tích, đối với các dịch vụ nêu trên, tại nước xuất khẩu đi, nhà cung cấp đã được áp dụng thuế suất 0%, được hoàn toàn bộ phần thuế đầu vào. "Họ có được khấu trừ đầu vào nhưng đấy là do nước xuất khẩu cho họ khấu trừ và họ sẽ hoãn cái đấy ở nước xuất khẩu, chứ VN không có nghĩa vụ phải cho khấu trừ đầu vào đó vì không phát sinh tại VN", bà Chi nói.
Vẫn theo ĐB đoàn Nghệ An, các dịch vụ thuộc nhóm này phát sinh hoạt động tiêu dùng tại VN, vì thế VN được quyền đánh thuế trên toàn bộ giá trị, không cần quan tâm đến phương pháp tính thuế, phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp. Nếu tiếp cận như vậy, VN sẽ mở rộng được cơ sở thuế, đảm bảo thu được thuế đối với TMĐT, thu đúng, thu đủ và tránh những hiện tượng hiện nay vẫn chưa được quy định một cách chặt chẽ trong luật.
Nên hay không bán thuốc kê đơn qua mạng?
Chiều cùng ngày, góp ý dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo nên cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng với trường hợp thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Theo ông, việc dự thảo luật quy định chỉ cho bán lẻ thuốc không kê đơn qua phương thức TMĐT là "đúng nhưng chưa đủ".
Theo ĐB TP.Hà Nội, có thể bổ sung 2 điều kiện khi cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng với trường hợp khám chữa bệnh từ xa. Thứ nhất là thuốc phải do một nhà thuốc uy tín, được cho phép. Thứ hai, người giao hàng là người có đăng ký và nhà thuốc có danh sách để quản lý.
Ngược lại, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, với thuốc bán trên mạng thì chỉ nên bán thuốc không kê đơn. Còn với thuốc kê đơn thì không cho bán trên mạng, dù là bán buôn hay bán lẻ. Đây là nguyên tắc được nhiều nước áp dụng.
ĐB Hà cho rằng, việc dự thảo luật cho phép các cơ sở bán buôn được bán thuốc kê đơn qua mạng sẽ "rất vướng mắc" trong thực tiễn vì kinh doanh theo phương thức TMĐT rất khó phân biệt được đâu là bán buôn, đâu là bán lẻ. Bà phân tích, theo quy định, việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, còn bán lẻ thuốc là bán tới tận tay người tiêu dùng. Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc cần phải chứng minh mình bán thuốc cho một cơ sở kinh doanh thuốc hay một công ty dược.
"Trên môi trường TMĐT thì trách nhiệm này thuộc về bên bán thuốc hay là bên sàn TMĐT? Sàn TMĐT lại không phải là cơ sở kinh doanh dược nên rất khó phân biệt hình thức bán buôn và bán lẻ", bà Hà nêu.
Sửa luật Điện lực, có hết độc quyền?
Cùng ngày, thảo luận về dự án luật Điện lực sửa đổi, ĐB Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đặt câu hỏi sửa luật lần này có chống được độc quyền hay không, Nhà nước sẽ độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào.
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết dự thảo luật đã quy định rõ các nội dung Nhà nước sẽ độc quyền trong lĩnh vực điện lực, chủ yếu là về điều độ hệ thống điện. Với hoạt động đầu tư, Nhà nước chỉ độc quyền với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng đảm bảo tính vận hành ổn định của hệ thống. Với lưới điện truyền tải cao áp, Nhà nước cũng chỉ độc quyền các lưới điện 220 kV trở lên, còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa.
Theo ông Hoài, nhu cầu năng lượng của VN đang rất cao. Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, một số lĩnh vực xương sống vẫn phải có sự độc quyền của Nhà nước, các lĩnh vực khác sẽ đẩy mạnh xã hội hóa. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chỉ còn chiếm 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng đã được tách từ EVN về Bộ Công thương, EVN và các tập đoàn khác khi tham gia thị trường điện sẽ có tư cách như một chủ thể thông thường. Những tín hiệu này cho thấy thị trường điện cạnh tranh đang từng bước được hình thành, bảo đảm sự công khai, minh bạch.