Khu đất trên thuộc chỉ tiêu xây dựng mới trường THCS theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Q.10 nhiệm kỳ 2020 – 2025. UBND Q.10 cho biết đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải sớm thu hồi tại thực địa. Mới đây, địa phương cũng đề xuất Sở KH-ĐT đăng ký kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 số vốn 50 tỉ đồng để chuẩn bị xây dựng trường lớp.
Đây là động thái quyết liệt nhất trong 3 năm qua, kể từ khi UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong từ Công ty CP giáo dục G Sài Gòn (tiền thân là Công ty CP giày Sài Gòn).
Về pháp lý khu đất, UBND Q.10 cho biết khu đất này rộng 10.936 m2 được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận năm 2007, thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31.12.2020, nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.
Hết thời hạn cho thuê đất, ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất, lý do khu đất trên được nhà nước cho Công ty CP giày Sài Gòn (nay là Công ty CP giáo dục G Sài Gòn thuê có thời hạn, đã hết hạn thuê đất và không được gia hạn.
Để thu hồi khu đất về xây dựng trường học, UBND Q.10 phối hợp Sở TN-MT tổ chức nhiều buổi làm việc với Công ty CP giáo dục G Sài Gòn nhưng doanh nghiệp này không chấp hành. Mặt khác, phía doanh nghiệp cũng khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch UBND TP.HCM và lần 2 đến Bộ trưởng Bộ TN-MT. Tuy nhiên, cả 2 lần khiếu nại đều bị bác đơn.
Sau khi Bộ trưởng Bộ TN-MT ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 vào cuối tháng 3.2024, Sở TN-MT liên tục có 2 văn bản vào tháng 5 và tháng 6 đề nghị Chủ tịch UBND Q.10 ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành cưỡng chế.
Không bồi thường tài sản gắn liền với đất
Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, sau khi các cơ quan chức năng ở TP.HCM có những động thái quyết liệt thực hiện biện pháp thu hồi thì Công ty CP giáo dục G Sài Gòn gửi văn bản kiến nghị kéo dài. Cụ thể, công ty này cho biết sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, doanh nghiệp đã nộp đơn khởi kiện đến TAND TP.HCM và đề nghị được ở lại khu đất đến khi có phán quyết của tòa.
Doanh nghiệp khẳng định "đất của nhà nước thì mãi mãi thuộc về nhà nước", nhưng tài sản gắn liền trên đất là tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty này vẫn đang cho một số khách hàng thuê mặt bằng nên cần thêm thời gian để thanh lý hợp đồng, di dời hàng hóa, thiết bị và tìm kiếm mặt bằng mới.
Liên quan đến tài sản trên đất, Sở TN-MT khẳng định trường hợp khu đất 419 Lê Hồng Phong, nhà nước thu hồi đất không bồi thường tài sản gắn liền với đất theo khoản 1 điều 92 luật Đất đai 2013.
Về hiện trạng sử dụng đất tại địa chỉ trên, hồi đầu tháng 7.2024, UBND P.2 đã rà soát, xác định có 6 tổ chức sử dụng làm văn phòng, kho hàng gồm: văn phòng Công ty CP giáo dục G Sài Gòn, nhà xe Thành Bưởi kinh doanh tiếp nhận hàng hóa, Công ty TNHH Sơn Hà Water DKH (nước suối đóng chai), Công ty TNHH thương mại Haruko (vật liệu phụ gia), cơ sở hoa tươi, chuyển phát nhanh Viettel Post.
'Dùng dằng' hơn 5 năm
- Ngày 16.7.2019, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo 434 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Võ Văn Hoan: "chủ trương của TP.HCM là sau khi khu đất hết hợp đồng thuê đất, TP.HCM sẽ thu hồi và bàn giao lại toàn bộ diện tích khu đất cho Q.10 để đầu tư xây dựng trường THCS đạt chuẩn, bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để bổ sung quỹ đất trường THCS hiện còn thiếu trên địa bàn Q.10".
- Ngày 11.2.2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 490 duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường, khu đất 419 Lê Hồng Phong điều chỉnh từ "đất công nghiệp sạch" thành "đất giáo dục" (trường THCS).
- Ngày 28.5.2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 1968 thu hồi khu đất 419 Lê Hồng Phong.
- Ngày 23.8.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3557 giải quyết khiếu nại lần đầu, giữ nguyên quyết định thu hồi đất
- Ngày 29.3.2024, Bộ trưởng Bộ TN-MT ban hành Quyết định 818 giải quyết khiếu nại lần 2, yêu cầu Công ty CP giáo dục G Sài Gòn chấp hành quyết định thu hồi đất.