Ngày 29.9, chúng tôi ghi nhận trên mạng xã hội Facebook có nhiều hội nhóm công khai rao bán dữ liệu người dân.
Trong đó, có nhóm "Data khách hàng tiềm năng chất lượng" với hơn 71.000 thành viên. Ghi nhận của PV Thanh Niên, nhóm này thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán dữ liệu thông tin cá nhân kèm theo hình ảnh danh sách các số điện thoại của người dân.
Một tài khoản ẩn danh đăng bài rao: "Mình có data sinh viên đầy đủ thông tin CCCD; data bác sĩ hưu trí; data chủ doanh nghiêp; phụ huynh học sinh...".
Trong khi đó, một tài khoản khác lại đăng bài tìm mua: "Cần mua data phụ huynh học sinh trường cấp 1 trở lên".
Một nhóm công khai khác có tên "Data khách hàng tiềm năng" với hơn 25.000 người theo dõi. Đáng chú ý, nhóm này có tần suất đăng bài rao mua, bán thông tin cá nhân của người dân lên đến hàng chục bài viết/ngày và đa dạng các loại thông tin người dân, từ thông tin chủ tiệm vàng đến các bệnh nhân xương khớp, người muốn vay tiền...
Chúng tôi đã liên hệ với một tài khoản đăng bài viết và được người này chào mời mua thông tin cá nhân với đủ các mức giá. Theo người này, tùy vào độ "hiếm, độc quyền" và mức độ thông tin (tên, tuổi, địa chỉ thường trú, tạm trú, nghề nghiệp, số điện thoại, tình trạng gia đình, tài chính) thì mức giá sẽ khác nhau, từ 100.000 đồng đến hàng triệu đồng là có thể sở hữu.
Trước đó, hồi 2023, Báo Thanh Niên từng có loạt bài phản ánh các hội nhóm trên mạng xã hội rao bán dữ liệu, thông tin cá nhân, CMND, CCCD của người dân. Sau đó cơ quan chức năng vào cuộc, một số hội nhóm sau đó đã bị khóa, tuy nhiên đến nay hàng loạt hội nhóm tương tự tiếp tục xuất hiện.
Để lại thông tin đặt hàng qua mạng, cẩn thận kẻo mất sạch tiền
Ngày 29.9 Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết thời gian gần đây, cơ quan chức năng ghi nhận một số vụ giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo công an, các nhóm lừa đảo lợi dụng các buổi livestream bán hàng, người dân để lại thông tin khi đặt hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách hàng từ các nguồn không chính thống.
Khi có thông tin người dân, nhóm lừa đảo sẽ gọi điện, xưng là shipper và yêu cầu khách hàng chuyển khoản thanh toán để nhận hàng. Nếu khách hàng nói muốn nhận trực tiếp thì nhóm này sẽ tắt máy, chặn liên lạc.
Trường hợp khách hàng không thể nhận trực tiếp, nhóm này nói đã gửi hàng hóa cho bảo vệ, người thân, hàng xóm... và yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thanh toán.
Sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ gian thông báo rằng đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper nên hằng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi.
Để lấy lại số tiền nạn nhân đã chuyển mua hàng trước đó, kẻ xấu yêu cầu nạn nhân nhập vào đường link do người đó cung cấp.
Khi nạn nhân click vào đường link sẽ có người khác hướng dẫn nạn nhân cách thao tác đăng nhập qua app ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Để phòng tránh thủ đoạn nói trên, công an đề nghị người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua. Không chuyển khoản hoặc thanh toán đơn hàng không có ảnh chụp mã vận đơn, thông tin người nhận. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian.
Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần dừng giao dịch và báo cho công an gần nhất để kịp thời giải quyết.