Sao chưa dẹp được chợ tự phát?
Trong buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình cho biết theo ghi nhận thực tế của đoàn thì tình trạng chợ tự phát kinh doanh buôn bán bên ngoài chợ đầu mối Bình Điền vẫn còn tái diễn, có dấu hiệu bùng phát nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty chợ Bình Điền cũng nêu kiến nghị UBND Q.8 và UBND huyện Bình Chánh phải kiên quyết giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát buôn bán trái phép trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh và trong các khu dân cư trước cổng chợ đầu mối Bình Điền.
Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết đang quản lý khoảng 100 m tuyến đường Quản Trọng Linh (tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền). Trên tuyến đường này, có 12 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 1 hộ có giấy phép kinh doanh.
Về vấn đề quản lý chợ tự phát, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết khó khăn khi quản lý hộ kinh doanh tự phát xung quanh chợ Bình Điền là do ý thức người kinh doanh. Dù đã lắp camera xử phạt lấn chiếm lòng lề đường, các đối tượng buôn bán tại tự phát lại chuyển hình thức kinh doanh, ví dụ như chuyển sang xe ba bánh để dễ bỏ chạy đối phó với cơ quan chức năng.
Tương tự, đại diện UBND Q.8 cho biết xung quanh chợ Bình Điền có 108 hộ kinh doanh nằm trên tuyến đường quản lý của Q.8. Trong đó, có 62 hộ kinh doanh không giấy phép. Đại diện UBND Q.8 cho biết đã phối hợp cùng các đơn vị khác kiểm tra, thu giữ nhiều xe ba gác, xe thô sơ cũng như xử phạt nhiều trường hợp lấn chiếm lòng lề đường quanh chợ đầu mối Bình Điền.
Ông Cao Thanh Bình cho biết cách làm hiện tại của chính quyền Q.8 và huyện Bình Chánh là cách làm cũ, không dẹp được vấn nạn chợ tự phát quanh chợ đầu mối. Vấn nạn chợ tự phát là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, theo ông Bình nếu Q.8 và huyện Bình Chánh không đủ nhân lực để làm thì báo cáo ngay với UBND TP.HCM để phân bổ nhân lực về làm để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng gợi nhiều hướng giải quyết vấn nạn chợ tự phát như lắp đặt camera phạt nguội, những hộ kinh doanh không có giấy phép thì thu giữ hàng hóa để họ không thể buôn bán, đặt biển cấm đỗ xe khu vực quanh chợ…
Lấy mẫu test thực phẩm 4 lần/ngày là quá ít
Theo báo cáo về công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm chợ Bình Điền, đại diện Công ty chợ Bình Điền cho biết kế hoạch tổ chức lấy mẫu test nhanh định kỳ khoảng 120 mẫu/tháng (khoảng 1.440 mẫu/năm). Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã lấy 913 mẫu kiểm tra test nhanh (số lượng mẫu có hàn the là 522, 160 mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 66 phẩm màu, 66 chất tẩy trắng, 99 mẫu chứa chất formol).
TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng số lượng thực hiện lấy mẫu test nhanh còn quá "khiêm tốn". Với số lượng 1 tháng có 120 test, tương đương 4 mẫu/ngày thì chỉ kiểm tra được một vài mặt hàng. Do đó, rất nhiều mặt hàng không được kiểm tra, có nguy cơ bỏ qua thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Trao đổi về việc test nhanh, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty chợ Bình Điền cho biết số lượng test thực phẩm cho biết phòng quản lý chất lượng của chợ có trình độ chuyên môn không cao. Chi phí kit test cũng lấy từ chi phí sản xuất kinh doanh của chợ Bình Điền, để test hết tất cả các mẫu thực phẩm ở chợ mỗi ngày thì chi phí rất cao.
"Chúng tôi kiểm tra ngoại quan và cảm quan, nếu có nghi vấn thì mới test nhanh mẫu thực phẩm. Khi phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm thì sẽ chuyển giao cho Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiếp nhận và xử lý", ông Tân nói.
Đại diện Sở Công thương khẳng định trong buổi giám sát rằng nếu dẹp được tất cả các chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối thì Sở Công thương TP.HCM sẽ có thể nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số quản lý các chợ đầu mối. Lúc đó, đề án chuyển đổi số quản lý chợ đầu mối và tất cả các chợ truyền thống, điểm bán hàng trên địa bàn TP.HCM sẽ được dễ dàng thực hiện. Theo đó, với quy trình chuyển đổi số này thì có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc từ các điểm bán hàng có phải lấy từ chợ đầu mối hay không.
Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình cho rằng dù có làm cách nào đi nữa khi xung quanh chợ không kiểm soát được kinh doanh tự phát thì khó có thể đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TP.HCM. Ông Bình đề nghị UBND Q.8 và huyện Bình Chánh phải có kế hoạch cụ thể để dẹp vấn nạn kinh doanh tự phát này, không chần chừ kéo dài.
Về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, theo ông Bình thực chất các chợ đầu mối ở TP.HCM chưa làm được vì vẫn còn làm theo cách thủ công, ví dụ tại sao chợ đầu mối có thể truy xuất nguồn gốc của thịt heo, gia cầm, trứng mà không thể áp dụng cho các mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, ông Bình đề nghị cần phải tăng cường test mẫu, kiến nghị với Sở Công thương TP.HCM nghiên cứu đề xuất cơ chế theo luật ngân sách hỗ trợ việc test mẫu vì việc test mẫu này kinh phí không lớn nhưng đem lại an toàn sức khỏe cho người dân.