Cụ thể, ưu tiên nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước ở khu vực chợ Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân và hạ lưu rạch Cầu Ngang, cải tạo rạch Thủ Đức. Địa phương cũng đề xuất các cơ chế, chính sách để đầu tư hồ điều tiết để trữ nước, điều tiết chống ngập.
Về chuyển đổi số, ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ TP.Thủ Đức cho biết công tác quản trị điều hành, hệ thống văn bản, thông tin chỉ đạo được thực hiện toàn bộ trên nền tảng số. Đội ngũ cán bộ, công chức đều có chữ ký số.
Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức cũng xây dựng ứng dụng (app) dành cho công chức, tích hợp đầy đủ từ quản lý văn bản, tham mưu và xin ý kiến chỉ đạo, ký hồ sơ hành chính. Đối với app công dân số, người dân có thể tương tác với chính quyền như nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ, gửi phản ánh, kiến nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận đội ngũ cán bộ đứng đầu TP.Thủ Đức luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, địa phương cần tập trung thực hiện các chỉ tiêu về thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, xử lý những việc tồn đọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao.
Ông Nên lưu ý TP.Thủ Đức đừng đòi hỏi phải có bộ máy cồng kềnh mà cần tính toán ứng dụng công nghệ, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn hoạt động hiệu quả. "Người dân sợ bộ máy cồng kềnh, vấn đề quan trọng mà người dân muốn là được giải quyết công việc càng sớm càng tốt, cán bộ phục vụ có trách nhiệm', Bí thư Thành ủy TP.HCM nói thêm.
Liên quan đến tình trạng ngập nước, ông Nên cho hay không chỉ Thủ Đức mà nhiều thành phố phát triển trên thế giới cũng đang đối diện với tình trạng này do tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, TP.HCM cũng là 1 trong 10 thành phố chịu tác động nhất của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng không ngồi chờ rồi đổ thừa do biến đổi khí hậu mà phải chủ động đề ra giải pháp khắc phục tối đa theo khả năng, điều kiện của thành phố nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân.
Ông Nên cũng ủng hộ đề xuất xây dựng hồ điều tiết của TP.Thủ Đức, đồng thời cho biết sẽ bàn bạc với lãnh đạo UBND TP.HCM để tính toán, ưu tiên đầu tư.
Đầu tư chợ Bến Thành thành nơi hội tụ sản phẩm cả nước
Chiều 11.7, tại hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ Q.1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có nhiều chia sẻ với địa phương về công tác chỉnh trang đô thị.
Theo ông Mãi, Q.1 là địa phương đầu tiên triển khai nghị quyết của HĐND TP.HCM về sắp xếp trật tự vỉa hè, lòng đường gắn với thu phí. Từ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đăng ký sử dụng, cấp phép và thu phí của Q.1, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các địa phương nghiên cứu áp dụng.
Liên quan đến việc cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và sửa chợ Bến Thành, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu Q.1 phải khẩn trương thực hiện để kịp hoàn thành trong năm sau.
Việc sửa chợ Bến Thành cần tính toán theo hướng nâng cấp toàn diện, vẫn giữ là ngôi chợ truyền thống, nhận diện thương hiệu của TP.HCM nhưng bên trong phải có hình thức kinh doanh mới.
"Đây có thể là nơi bán tất cả sản phẩm của cả nước, mục tiêu không phải bán hàng mà là nơi cả nước hội tụ về, và thông qua sản phẩm để phát triển du lịch và các dịch vụ khác", ông Mãi gợi ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch TP.HCM đề nghị Q.1 tính toán, tìm lối ra để chỉnh trang đô thị khu chợ Gà, chợ Gạo, khu Mả Lạng và các khu chung cư cũ, mục tiêu đặt ra là triển khai một vài công trình trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Lãnh đạo TP.HCM cũng gửi gắm Q.1 phải đi đầu về cải cách hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục trực tuyến, phối hợp Sở TT-TT nghiên cứu mô hình AI City (thành phố được vận hành trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo).