Hoạt động tích nước, xả lũ của các thủy điện trên sông Ba gây khô hạn, xâm thực... ngày càng nghiêm trọng cho các địa phương ở hạ lưu thuộc các tỉnh Gia Lai, Phú Yên. Tại H.Ia Pa (Gia Lai), sông Ba chuyển dòng trong những năm gần đây khiến sự xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tỉnh Gia Lai đã phải báo cáo gấp với cơ quan chức năng T.Ư, đề xuất kinh phí 150 tỉ đồng để xây kè, tránh tình trạng nước sông Ba vào mùa mưa lũ đang dần "nuốt" đất sản xuất, đường sá.
Nhiều đoạn sông Ba chảy qua tỉnh Gia Lai, Phú Yên gần như thành dòng sông chết. Nước sông bị cạn kiệt, ô nhiễm khiến cá tôm và các loài nhuyễn thể khó có thể tồn tại, nghề đánh cá trên sông bao đời nay bị khai tử. Nhiều người dân ở dọc sông Ba từ lâu cũng đã bỏ thói quen tắm sông bởi nước bị ô nhiễm, tắm xong là người nổi mẩn, ngứa, chốc lở...
Ở tổ 4, P.Tây Sơn, TX.An Khê (Gia Lai) có một cộng đồng ngư phủ mà dân ở đây gọi là xóm Lưới, bởi họ chuyên làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông Ba từ nhiều đời nay. Ông Lê Văn Lựu (76 tuổi) đã theo nghề đánh bắt thủy sản trên sông Ba hơn 50 năm. "Mới chưa được chục tuổi đầu thì tôi đã theo cha lên thuyền. Hồi đó, cá, tôm trên sông Ba nhiều lắm. Hễ vung lưới xuống là chắc chắn có ăn. Khi có vợ, sinh con, chính con thuyền, tay lưới đã giúp tôi nuôi 7 miệng ăn; 3 đứa con trai cũng theo nghề, theo nghiệp của tôi. Nhưng bây giờ sông khô hạn, nước ô nhiễm, tôm, cá đâu còn, cha con tôi cũng dần mất kế mưu sinh", ông Lựu nói.
Theo ông Lựu, nói đến xóm Lưới, người dân ở đây đều nghĩ đến những tháng ngày rộn ràng với nghề cá. Đàn ông, con trai ngày đêm ở ngoài sông thả lưới. Phụ nữ tất bật từ tảng sáng hay chiều tà khi các thuyền đánh cá cập bến, mang theo đủ các loại cá được đánh bắt trên sông Ba. Giờ đây, các loại cá đặc sản của dòng sông này như cá nhao, cá đá, cá niên… đã vắng bóng, chỉ còn lại cá rô phi tồn tại trong môi trường ô nhiễm cao mới sống được ở sông Ba.
Hai người con ông Lựu là Lê Văn Có và Lê Văn Của khi nói về nghề đánh cá trên sông Ba cũng rất buồn bã. Họ kể rằng ngày trước xóm Lưới có hơn 100 người đi đánh cá. "Người ra sông Ba làm nghề đi thành đoàn chớ đâu vắng vẻ như bây giờ. Từ khi sông Ba bị chặn dòng, nước cạn kiệt thì cá, tôm vắng bóng. Giờ chỉ còn vài ba người đi làm cá mà cả ngày chưa kiếm nổi 100.000 đồng, có ngày tay trắng. Xóm Lưới ngày trước chỉ còn mỗi cái tên, mọi người bỏ đi làm nghề khác hết rồi", anh Có kể.
Bến sông Ba ở xóm Lưới cũng chỉ còn trong ký ức. Đâu còn thuyền đánh cá ra vào, cũng chẳng có ai ra bờ sông như tắm rửa, lấy nước sinh hoạt… "Không ai đủ can đảm để lội xuống dòng nước bốc mùi, gây mẩn ngứa để tắm gội, lấy nước. Nước đã không đủ, cộng với tình trạng xả thải khiến sông Ba ngày càng ô nhiễm", anh Có bức xúc.
1 TRIỆU NGƯỜI BỊ ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, sông Ba đóng vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong đời sống người dân. Từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak đưa vào hoạt động đến nay, đoạn sông Ba qua TX.An Khê thiếu nước trầm trọng vì toàn bộ lượng nước đã bị ngăn dòng, chảy xuống Bình Định. Lượng nước xả qua TX.An Khê chỉ trên dưới 4 m³/giây vào mùa khô hạn khiến toàn bộ sông Ba không còn dòng chảy. Ngoài ra, việc không trả nước về sông Ba khiến đời sống người dân ở 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với khoảng 1 triệu người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu và thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung "Nghiên cứu xây dựng hệ thống đập dâng nước trên sông Ba đoạn qua TX.An Khê cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, cảnh quan môi trường và phát triển kinh tế - xã hội TX.An Khê".
Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mới đây, tỉnh Gia Lai đã đề nghị sớm triển khai xây dựng hệ thống đập dâng nước trên sông Ba đoạn qua TX.An Khê với mức đầu tư 350 tỉ đồng để cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, tạo cảnh quan môi trường, phát triển kinh tế - xã hội TX.An Khê và vùng hạ lưu.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng bất thường. Hằng năm, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm cho tình hình sạt lở bờ sông càng nghiêm trọng, làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nông dân sản xuất ven sông, đồng thời đe dọa thiệt hại về tính mạng con người trong thời gian mưa lũ. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa, Ayun Pa, Kbang, Phú Thiện, Chư Prông, Kông Chro và TX.An Khê, lũ trên các sông, suối thường xuyên dâng cao, hai bờ sông có nhiều điểm xảy ra sạt lở rất nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống xung quanh khu vực...
Tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 3.144 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư để xây dựng 17 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách.
PHẢI XEM XÉT TỔNG THỂ
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai, Bộ NN-PTNT nhận thấy việc điều tiết nước dòng chảy sông Ba (sau thủy điện An Khê - Ka Nak) không chỉ đơn thuần thực hiện bằng giải pháp công trình mà cần kết hợp cả về vận hành khai thác, các giải pháp phi công trình khác, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực…
Do vậy, để thực hiện điều tiết nước dòng sông Ba phục vụ các nhu cầu, trong đó có phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân, cần phải xem xét, nghiên cứu trên cơ sở bài toán tổng thể. Từ đó, đề xuất giải pháp và rà soát, bổ sung nội dung, giải pháp vào các quy hoạch để làm căn cứ đầu tư xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Bộ NN-PTNT sẽ tham gia phối hợp về kỹ thuật; đồng thời chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch ngành, từ đó xem xét cụ thể phương án thực hiện đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật.