>>Xe hydro tương lai của ngành công nghiệp ô tô
Không nên “đặt cược” vào mỗi xe điện
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã nhận được đơn đặt hàng chế tạo 55 modul sản xuất hydro từ nhà thầu Thyssenkrupp (CHLB Đức) để xuất khẩu sang Arab Saudi với giá trị 45 triệu USD. Đây là thiết bị tách hydro ra khỏi nước, để dùng làm nhiên liệu. Nằm ở “rốn” dầu của thế giới nhưng Arab Saudi đang có kế hoạch lớn về sản xuất hydro làm nhiên liệu xanh để giảm phát thải khí carbon.
Còn tại Thái Lan, vào cuối tháng 10/2023, Công ty Toyota Daihatsu đã bắt đầu sản xuất hydro từ khí sinh học tại một trang trại nuôi gà. Hydro có nguồn gốc từ khí sinh học này trước mắt sẽ được dùng cho các xe thương mại, sau đó mở rộng dần ra với những phân khúc xe khác, giúp giải quyết những thách thức về phát thải khí carbon.
Phát biểu tại triển lãm ô tô Nhật Bản (Japan Mobility Show) diễn ra vào ngày 26/10/2023, ông Akio Toyoda, chủ tịch Toyota cho rằng, có nhiều cách để đạt được mức trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông, xe điện không phải là con đường duy nhất.
Theo ông Akio Toyoda, nếu tất cả xe tại Nhật Bản đều chạy bằng điện, thì vào mùa hè sẽ thiếu điện nghiêm trọng để sử dụng cho các hoạt động khác.
Tại Việt Nam cũng tương tự, xe điện mới bắt đầu phát triển, nhưng đã có những ý kiến lo ngại về nhu cầu điện sẽ tăng vọt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, việc phát triển trạm sạc ô tô điện, nhất là các trạm sạc nhanh, sẽ làm tăng phụ tải đáng kể lên hệ thống điện lưới quốc gia. Theo EVN, nếu phát triển 40.000 trạm sạc, chỉ tính công suất tối thiểu mỗi trụ sạc 11kW thì cần khoảng 440MW, thậm chí có thể tới hơn 1.000MW, nếu tính các đầu sạc nhanh có công suất lớn. Phụ tải 440MW tương đương gần 2 tổ máy của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình (mỗi tổ máy có công suất 240MW); còn với 1.000MW tương đương công suất của Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Tương lai sẽ nhiều hơn nữa, khi xe điện phổ biến, hạ tầng trạm sạc tiếp tục phát triển.
Chưa kể, nếu điện năng được tạo ra chủ yếu từ quá trình đốt than và khí tự nhiên, xe điện sẽ chẳng giúp gì nhiều cho môi trường. Càng nhiều xe điện, càng thêm nhiều khí carbon.
Tiếp cận đa chiều
Ô tô điện là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới. Công nghệ xe điện đang đến gần với tương lai của nhân loại hơn bất kỳ công nghệ nào khác. Tuy nhiên, cần có sự tiếp cận đa chiều, không nên chỉ “đặt cược” vào mỗi xe điện.
Ô tô sử dụng nhiên liệu hydro có ưu điểm của xe điện và xe động cơ đốt trong, đó là không thải ra khí carbon, khả năng tăng tốc tốt và thời gian nạp nhiên liệu nhanh. Bên cạnh xe sử dụng hydro thông qua công nghệ pin nhiên liệu (Fulcel), Toyota đã thành công với thử nghiệm hoán đổi xe động cơ đốt trong sử dụng xăng sang hydro.
Vào cuối năm 2021, Toyota cho ra mắt chiếc xe đua Corolla Sport được lắp động cơ đốt trong chạy nhiên liệu hydro. Corolla Sport sử dụng động cơ dung tích xi lanh 1.5l tăng áp chạy xăng bình thường, sau đó trang bị hệ thống phun nhiên liệu để có thể chạy bằng hydro lỏng. Toyota thông tin, việc kích nổ với nhiên liệu hydro diễn ra nhanh hơn so với xăng, chính vì vậy, nó đem tới độ phản hồi nhạy hơn hẳn và vẫn có âm thanh đầy mê hoặc.
Kẻ thù của môi trường là khí thải carbon, không phải là động cơ đốt trong. Nếu tạo ra động cơ đốt trong có khí thải carbon bằng không, thì rất tuyệt vời. Nó có thể giữ cho công nghệ động cơ đốt trong vẫn vận hành được trong một thế giới không carbon, gây ra ít sự gián đoạn hơn so với việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, ông Akio Toyoda nhận định.
Việt Nam đặt mục tiêu xanh hóa giao thông, giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Bên cạnh chuyển đổi sang xe điện thì xe chạy hydro cũng là một giải pháp cần tính đến.
Bộ Công Thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn 2025- 2035, trình Chính phủ trong thời gian tới. Góp ý cho cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp ô tô đề xuất, không nên chỉ tập trung chính sách cho riêng xe điện, cần hướng tới cả xe sử dụng các loại năng lượng xanh khác như hydro, tránh quyết định không chính xác, có thể làm mất cơ hội phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.