>>Mỹ và Phương Tây “tụt hậu”, Trung Quốc sẽ “bá chủ” ô tô điện?
Trong năm 2023 hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam, với đa dạng sản phẩm, cùng những kế hoạch, dự án phát triển lâu dài.
Nhộn nhịp xe hơi Trung Quốc
Đầu tiên là SAIC Motors ((Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải) thành lập công ty con tại Việt Nam, trực tiếp phân phối sản phẩm mang thương hiệu MG. Đại diện SAIC tại Việt Nam cho biết, hãng sẽ đẩy mạnh phát triển thương hiệu MG, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp kinh doanh cả xe xăng lẫn xe điện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tiến tới xây nhà máy tại Việt Nam, phấn đấu bán 100.000 xe trong 5 năm tới và hướng tới xuất khẩu.
Tiếp đến là Công ty cp Ô tô TMT (TMT Motors) đã hợp tác với liên doanh Trung Quốc SGMW (SAIC – GM – Wuling) để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền mẫu ô tô điện mini Wuling HongGuang tại Việt Nam. Thành quả của thương vụ này là sự ra mắt của mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV. Sản phẩm này được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vào tháng 9/2023 mẫu xe này đã chính thức bán đến tay khách hàng, với giá từ 239 triệu đồng. Xe sử dụng rất dễ dàng và có chi phí sạc pin hàng tháng dưới 300.000 đồng, rẻ hơn đổ xăng xe máy.
Ngoài ra, vào tháng 8/2023, một doanh nghiệp Việt Nam cũng hợp tác với Hãng xe Great Wall Motor của Trung Quốc, phân phối mẫu xe Haval H6 HEV. Đây là mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, sử dụng công nghệ Hybrid, có nhiều trang bị hiện đại, tiện nghi sang trọng với giá bán 1,096 tỉ đồng.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, 3 mẫu xe thuộc 2 thương hiệu Omoda và Jaecoo của hãng Chery cũng đã xuất hiện tại Hà Nội. Trong đó bao gồm chiếc sedan cỡ C Omoda S5, crossover cỡ C Omoda C5 và mẫu crossover cỡ B+ Jaecoo 7. Cùng với đó, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (trực thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) và Công ty cp Tập đoàn Geleximco đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình, với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD. Mục tiêu sản xuất, lắp ráp 200.000 ô tô, bao gồm xe xăng, xăng điện hỗn hợp và thuần điện, đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Một thương hiệu ô tô khác của Trung Quốc cũng đổ bộ thị trường Việt Nam dịp cuối năm là Lynk & Co. Hãng xe này đang lên kế hoạch trình làng 3 mẫu SUV và một mẫu sedan. Trong đó, Lynk & Co 01 sẽ nằm trong phân khúc SUV hạng C. Đáng chú ý, dù mang thương hiệu Trung Quốc nhưng mẫu xe này được đồn đoán sẽ có giá cao hơn các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, hãng xe Haima cũng chuẩn bị tái ra nhập thị trường ô tô Việt Nam. Thương hiệu này đã có mặt Việt Nam vào năm 2011 nhưng lặng lẽ rời đi. Với sự trở lại lần này, Haima sẽ mang tới ba mẫu xe là 8S, 7X và 7X-E. Trong đó, 7X sẽ đánh thẳng vào phân khúc MPV, vốn đang tương đối sôi động và có nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo dự kiến, giá xe Haima 7X sẽ ở trong khoảng 700 – 800 triệu đồng. Riêng biến thể thuần điện 7X-E sẽ có giá dự kiến từ 1 tỷ đồng.
Đấy là chưa kể đầu năm nay, hãng xe lớn khác của Trung Quốc là BYD đã tìm hiểu và có dự định đầu tư nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam, sản xuất ô tô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ô tô Trung Quốc sẽ tràn ngập đường phố?
>>Ô tô điện Trung Quốc và nỗi lo máy do thám 4 bánh
Giới chuyên môn nhận xét, với ô tô xăng hay xăng điện hỗn hợp, xe Trung Quốc đến nay vẫn không có lợi thế nhưng với xe thuần điện lại là câu chuyện khác. Khoảng 10 năm trước, ô tô Trung Quốc không có chỗ đứng trên thị trường ô tô thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia, xe Trung Quốc thường bị khách hàng “ghẻ lạnh”, e dè về chất lượng, trong khi kiểu dáng thiết kế thường sao chép, vay mượn chứ không có bản sắc riêng. Chính vì vậy, ngoài thị trường nội địa, ô tô Trung Quốc thời điểm đó không được các hãng xe Nhật Bản, Đức hay Hàn Quốc… xem là đối thủ.
Tuy nhiên, khi ngành ô tô thế giới bắt đầu bước sang một chương mới với cuộc đua điện khí hóa, ô tô Trung Quốc đã thay đổi. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất nhiều ô tô điện nhất thế giới, đồng thời cũng xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Năm 2022, doanh số bán ô tô điện tại Trung Quốc đạt hơn 5 triệu chiếc và xuất khẩu xuất khẩu tới 3,4 triệu chiếc, trong đó chủ yếu là xe điện. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
Trao đổi với truyền thông tại một sự kiện gần đây, ông Toshihiro Mibe, Giám đốc điều hành Công ty Honda (Nhật Bản) cho biết: 10 năm trước, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để cạnh tranh với các thương hiệu ô tô châu Âu và Hoa Kỳ, còn ô tô Trung Quốc không phải là đối thủ. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi phải nghĩ đến việc làm thế nào để cạnh tranh với các hãng xe đến từ Trung Quốc.
Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường ô tô Việt Nam đến 2025 sẽ đạt quy mô 800.000 xe/năm, đến năm 2023 đạt 1,2 triệu xe/năm và sau năm 2035 sẽ đạt 1,8 triệu xe/năm. Không những thế theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2040, sẽ hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, nhu cầu về ô tô điện sẽ tăng mạnh, thị trường rất tiềm năng, điều này trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc. Có thể đến một ngày nào đó, ô tô Trung Quốc sẽ tràn ngập đường phố. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như: AFTA, EVAFTA, CPTPP… Các hãng xe Trung Quốc coi đây là cơ hội lớn, nên đầu tư nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Eu, Bắc Mỹ… hưởng ưu đãi thuế 0%.