>> Tồn kho gần 100.000 ô tô, “đại hạ giá” còn kéo dài

Sản xuất gặp khó

Theo số liệu của các doanh nghiệp, năm 2023 doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt khoảng 400.000 xe các loại. Trong đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt khoảng 300.000 xe. Trong số 10 mẫu xe có doanh số bán nhiều nhất năm 2023, có 8 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước. Trong 8 mẫu xe này, doanh số bán cao nhất thuộc về Hyundai Accent với 17.452 xe, tiếp đến là Mazda CX5 với 16.808 xe, xếp thứ 3 là Ford Ranger 16.085 xe, xếp thứ 4 là Toyota Vios với 13.521 xe… Như vậy, không có mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước nào, có doanh số bán vượt 20.000 xe/năm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng nguồn cung ô tô năm 2023 là 465.200 xe các loại, trong đó, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước đạt 347.400 xe, giảm 12% so với 2022. Với hàng trăm mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước mà tổng sản lượng chỉ đạt 347.400 xe, bình quân 1 mẫu xe chỉ đạt con số vài nghìn chiếc/năm.

Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

Không có mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước nào, có doanh số bán vượt 20.000 xe năm 2023. (Ảnh minh họa)

Theo tính toán của các doanh nghiệp, muốn phát triển sản xuất, một mẫu xe cần đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm trở lên. Cho đến hiện nay, chưa có mẫu xe nào đạt tới sản lượng này cả. Điểm lại quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 30 năm qua, mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước có sản lượng cao nhất là Vios, đạt doanh số bán 30.000 chiếc/năm vào năm 2020 và mẫu Hyundai Accent đạt trên 22.000 chiếc/năm vào năm 2022, sau đó lại giảm.

Công ty Toyota Việt Nam cho biết, để đầu tư sản xuất các chi tiết nhựa cho ô tô, gồm cản trước, cản sau và bảng taplo của một mẫu xe, cần số vốn khoảng 12 triệu USD, thời gian thu hồi vốn 5 năm. Theo tính toán, phải đạt sản lượng 60.000 sản phẩm/năm, với doanh thu 3,8 triệu USD/năm, mới có thể thu hồi vốn bỏ ra. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có mẫu xe nào đạt sản lượng 50.000 xe/năm, vì vậy, đầu tư cho sản xuất linh kiện không hiệu quả.

Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại. Với quy mô thị trường nhỏ bé và sản lượng riêng của từng mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước thấp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không có cơ hội phát triển.

Thời gian không chờ đợi

>> Doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được hỗ trợ

Tại Việt Nam, một số linh kiện nội địa hóa được, có chi phí sản xuất và chất lượng cạnh tranh so với nhập khẩu, song chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, hay giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ. Còn lại, phần lớn linh kiện và cụm linh kiện gặp vấn đề vốn đầu tư lớn mà sản lượng lại nhỏ nên có giá thành cao.

Chẳng hạn, với sản phẩm nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá 3,8 USD/chiếc, trong khi nhà sản xuất tại Thái Lan báo giá chỉ 1,6 USD/chiếc. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với nhiều linh kiện khác, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp. Do sản lượng thấp nên chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất sẽ lớn. Vì vậy, giá linh kiện nhà sản xuất trong nước đưa ra thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài. Thái Lan có chi phí sản xuất linh kiện thấp là nhờ sản lượng ô tô cao, với khoảng 2 triệu xe/năm.

Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

Nếu sản xuất linh kiện không phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hiện nay khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã giảm xuống còn 0% và sắp tới là châu Âu, Nhật Bản... thì việc đảm bảo xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng sản lượng không hề dễ dàng. Nếu sản xuất linh kiện không phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn.

Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường ô tô năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chỉ khoảng 10%, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước ước đạt sản lượng 400.000 chiếc/năm. Với sản lượng như vậy, sẽ phải mất nhiều năm nữa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới có thể khắc phục hết bất lợi, để chuyển hóa thành lợi thế, nhưng thời gian thì không chờ đợi.

Ý kiến giới chuyên môn cho rằng, để doanh nghiệp ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng. Muốn ngành công nghiệp ô tô đạt sản lượng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, phải giảm các loại thuế phí, giúp giảm giá xe. Chỉ có các giải pháp về thuế phí hợp lý, mới tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài.