>>Sẽ có ngày ô tô Trung Quốc tràn ngập đường phố Việt Nam?
Mở thị trường
Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, đang thúc đẩy các doanh nghiêp ô tô điện của nước này tìm kiếm thị trường mới. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam đang coi là “bàn đạp” để ô tô điện “tấn công” thị trường ASEAN với quy mô 600 triệu dân và vươn ra thế giới.
Tại Thái Lan vốn đầu tư Trung Quốc vào xe điện đạt hơn 1,4 tỉ đô la, tính từ năm 2020 đến nay và còn tiếp tục tăng lên. Hiện có khoảng 10 thương hiệu xe điện Trung Quốc đã vào Thái Lan tính đến cuối tháng 11/2023.
Ngoài Thái Lan, các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang thâm nhập Indonesia, thị trường lớn nhất khu vực và có lợi thế trong sản xuất pin. Nhiều thương hiệu xe điện Trung Quốc đã đầu tư nhà máy và đang thành công trong mở thị trường. Điển hình như SGMW (Liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải, Tập đoàn Generall Motor của Mỹ và Công ty Ô tô Liễu Châu), với xe điện giá rẻ thương hiệu Wuling.
Tại Việt Nam, năm 2023 hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc đã xuất hiện tại, với đa dạng sản phẩm, cùng những kế hoạch, dự án phát triển lâu dài. Đó là, Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải, SGMW, Chery Auto, Great Wall Motor, Hai Ma, Link&co, Haval…
Các nước trong khu vực ASEAN đều là thành viên của Hiệp định thương mại tự do AFTA. Với ô tô có tỷ lệ nội địa hóa nội khối đạt từ 40% trở lên, hiện được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Khi đặt cơ sở sản xuất tại đây, ô tô điện Trung Quốc sẽ có cơ hội trong thị trường tiềm năng với hơn 600 triệu dân cùng những chính sách ưu đãi lớn của từng quốc gia thành viên.
Trước kia, Trung Quốc từng gặp khó khăn trong việc mở thị trường ra thế giới, nhưng với xe điện thì câu chuyện đã thay đổi. Những hãng xe lớn như Volkswagen, Toyota, Nissan… vốn không coi ô tô Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, giờ đây lại đang “cắp sách” sang theo học về phát triển xe điện. Dù mới, những các hãng Trung Quốc có thể tung ra những mẫu xe điện với giá tốt và tính kỹ thuật cao. Đáng chú ý, thời gian sản xuất ngắn hơn 1/3 so với thông thường.
Vào năm 2015, giá niêm yết trung bình của ô tô điện ở Trung Quốc cao hơn lần lượt 37% và 26% so với xe ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, thống kê 6 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình đã đảo ngược, giá trung bình của một chiếc xe điện ở Trung Quốc là 31.000 USD, trong khi tại châu Âu là 60.000 USD và tại Mỹ là 52.000 USD.
Đối thủ lớn
>>Mỹ và Phương Tây “tụt hậu”, Trung Quốc sẽ “bá chủ” ô tô điện?
Xe điện Trung Quốc không chỉ cạnh tranh bằng giá, mà còn bằng cả chất lượng và công suất. Họ có các mẫu xe điện 200-300 mã lực với giá trung bình chỉ dưới 35.000 USD chẳng hạn như BYD Seal; hay GAC Y Plus có khả năng chạy 500 km mới cần sạc, hệ thống hỗ trợ người lái hiện đại với mức giá 28.000 USD.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nỗ lực trang bị cho xe điện các tính năng hiện đại và cao cấp như: ghế da chỉnh điện, các màn hình cảm ứng độ phân giải cao cỡ lớn, cổng phát wi-fi, khả năng kết nối các ứng dụng… vốn trước đây chỉ có trên xe sang, giờ là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe điện có giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu đồng). Các tính năng hiện đại như trên giờ là trang bị thiết yếu, để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Dù các tính năng hiện đại cũng khiến giá thành tăng lên, nhưng cụm pin vẫn là bộ phận quan trọng nhất, chi phối chi phí sản xuất ô tô điện. Các hãng xe Trung Quốc đang phát triển nhiều loại pin như lithium iron phosphate, lithium nickel manganese cobalt oxide, lithium nickel cobalt aluminum oxide, lithium carbonate… có chi phí thấp.
Bill Russo, giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu Automobilety ở Thượng Hải cho biết, nhiều thương hiệu nước ngoài đã tụt lại phía sau do không chuẩn bị sớm cho quá trình điện hóa. Để bắt kịp các hãng xe Trung Quốc, họ sẽ mất nhiều năm nữa.
Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường ô tô Việt Nam đến 2025 sẽ đạt quy mô 800.000 xe/năm, đến năm 2023 đạt 1,2 triệu xe/năm và sau năm 2035 sẽ đạt 1,8 triệu xe/năm. Không những thế theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2040, sẽ hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, nhu cầu về ô tô điện sẽ tăng mạnh, thị trường rất tiềm năng, điều này trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như: AFTA, EVAFTA, CPTPP… Các hãng xe Trung Quốc coi đây là cơ hội lớn, nên đầu tư nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Eu, Bắc Mỹ… hưởng ưu đãi thuế 0%.
Ô tô điện Trung Quốc sắp tới sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn, của các doanh nghiệp ô tô tại thị trường Việt Nam.