Đèn cảnh báo nguy hiểm (còn gọi là đèn hazard) là trang bị không lạ với người sử dụng ô tô. Loại đèn này được sử dụng với mục đích cảnh báo và được khuyến cáo sử dụng khi phương tiện gặp phải sự cố nguy hiểm, cần bật đèn để cảnh báo cho người lái các phương tiện khác cùng lưu thông biết để tránh hoặc nhường đường, hạn chế tai nạn đáng tiếc.
Cụ thể, nhà sản xuất xe khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp trong các trường hợp sau:
– Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường: Khi đi trên đường mà xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các xe khác chủ động tránh.
– Xe đang trong tình trạng nguy hiểm: Nhiều trường hợp ô tô gặp trục trặc trên đường mà không thể tấp vào lề dừng đỗ, lái xe cũng nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác biết rằng để xử lý tình huống.
– Ngoài ra, đèn cảnh báo nguy hiểm cũng được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp xe di chuyển trong điều kiện thời tiết quá xấu. Theo đó, nếu gặp trời mưa to, sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế chỉ còn vài mét, lái xe nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm để các xe phía sau chú ý giữ khoảng cách an toàn. Trong tình huống thời tiết quá xấu, lái xe nên chủ động dừng, đỗ xe bên đường và bật đèn khẩn cấp, đợi đến khi thời tiết thuận lợi rồi di chuyển.
Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, đèn cảnh báo nguy hiểm đang được rất nhiều tài xế sử dụng một cách “vô tội vạ”, sai mục đích. Trong đó, không ít người lạm dụng loại đèn này để “lách luật”, cố tình đỗ xe sai quy định. Vậy trường hợp này bị xử phạt ra sao?
Hiện tại, vẫn chưa có quy định cụ thể trên luật về việc sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm trên ô tô. Tuy nhiên, với trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ; đồng nghĩa sẽ vi phạm quy định về dừng đỗ xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Điểm e Khoản 3 Điều 5).
Nếu chứng minh được tài xế cố tình lạm dụng loại đèn này để đỗ xe sai quy định, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý vi phạm. Với hành vi này, người lái sẽ bị phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng.