Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

16:58 - 14/01/2025

Thành lập năm 1879, Trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho là một trong những trường trung học xưa nhất ở Nam kỳ lục tỉnh. Đây cũng là ngôi trường đào tạo rất nhiều nhân vật nổi tiếng.

Từ tiểu học đến Collège de Mytho

Ngày 17.3.1879, Thống đốc Nam kỳ Lafont ký nghị định thiết lập Sở Học chính Nam kỳ và hệ thống giáo dục. Theo đó, mỗi tỉnh có một trường tiểu học gọi là trường tỉnh, dạy từ lớp năm đến lớp nhất (tương ứng lớp 1 đến lớp 5 hiện nay, ngày xưa lớp năm là lớp nhỏ nhất). Ngôi trường đầu tiên tại Mỹ Tho tọa lạc gần khu Nhà việc làng Điều Hòa, sau đó dời đến gần tòa Bố chính. Sau khi nhậm chức Thống đốc Nam kỳ, ngày 14.6.1880 Le Myre de Vilers ban hành nghị định bổ sung, cho phép tỉnh Mỹ Tho được nâng cấp trường tiểu học thành Collège de Mytho.

Giai đoạn đầu, trường chỉ có một dãy nhà trệt và một dãy lầu, cổng chính hướng ra Rue d'Ariès (nay là đường Lê Lợi). Năm 1918 - 1919, trường cất thêm 2 dãy lầu kiên cố, một ở phía bắc dọc theo đường Ngô Quyền, một ở phía nam dọc theo đường Lê Đại Hành hiện nay. Theo Địa chí tỉnh Mỹ Tho 1937, sau năm 1930, trường có thêm các dãy nhà 2 tầng. Trong đó, tầng trệt dành cho các lớp học, tầng trên dành cho học sinh nội trú với 286 giường ngủ.

Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

Trường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

Dãy nhà mặt tiền Trường Nguyễn Đình Chiểu

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Nội quy của trường rất chặt chẽ: Từ 5 giờ sáng, học sinh phải thức dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân. 6 giờ 30 ăn sáng, từ 7 - 10 giờ lên lớp học. 10 giờ 30 ăn trưa, từ 14 - 16 giờ lên lớp, 17 giờ 30 ăn chiều và 21 giờ đi ngủ. Mỗi tuần học 5 ngày, nghỉ thứ năm và chủ nhật. Toàn bộ chi phí do ngân sách đài thọ, sách vở cấp miễn phí. Từ năm 1889 - 1896, vì thiếu kinh phí nên trường tạm ngưng hệ trung học, chỉ còn cấp tiểu học.

Năm 1957, cùng với việc xây thêm 10 phòng học, Collège de Mytho mở rộng ra hướng tây, giáp với đường Hùng Vương bây giờ, tạo nên khuôn viên hình chữ U với tổng diện tích hơn 40.000 m2. Thời điểm này, cổng chính của trường cũng được dời ra phía đường Hùng Vương.

Mở chi nhánh ở Cần Thơ

Thời gian đầu, ở bậc tiểu học (3 năm), Collège de Mytho thu nhận học sinh từ 10 - 14 tuổi, bậc trung học (4 năm) từ 12 - 17 tuổi. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. Từ năm 1951 - 1952, trường bắt đầu chuyển ngữ qua chương trình Việt. Mỗi năm thêm một lớp chương trình Việt thì giảm một lớp chương trình Pháp. Tiếng Pháp trở thành môn học ngoại ngữ.

Năm 1917, Collège de Mytho mở chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège de Cantho (chi nhánh này sau đổi thành Trung học Phan Thanh Giản và nay là Trường THPT Châu Văn Liêm). Bấy giờ, học sinh học hết bậc tiểu học ở Collège de Cantho sẽ được tham dự kỳ thi vào Collège de Mytho. Năm 1925 - 1926, Collège de Cantho mở đủ các lớp thuộc bậc trung học và tách khỏi Collège de Mytho.

Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

Các dãy nhà ngang của trường

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

Nhà truyền thống của trường

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Năm 1928, các lớp bậc tiểu học được tách ra khỏi Collège de Mytho và chuyển về trường Nam tiểu học Mỹ Tho (nay là THCS Xuân Diệu). Gần cuối năm 1957, khi trường nữ trung học Lê Ngọc Hân được thành lập, học sinh nữ được chuyển hết về trường này. Từ đó, trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ dành cho học sinh nam, cho tới năm 1975.

Năm 1941 - 1942, Collège de Mytho bị Nhật trưng dụng làm nơi đóng quân. Sau khi quân Nhật rút đi, Collège de Mytho đổi tên thành Collège Le Myre de Vilers. Ngày 22.3.1953, Tổng trưởng Giáo dục Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thành Giung ký nghị định đổi tên trường thành Trung học Nguyễn Đình Chiểu.

Nhà truyền thống độc đáo

Theo Hiệu trưởng Võ Hoài Nhân Trung, Trường Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng lại từ năm 2012 với quy mô 1 trệt, 3 lầu theo kiến trúc cũ, nhưng giữ lại một dãy làm nhà truyền thống của trường. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật và hình ảnh quý giá, như một bảo tàng thu nhỏ, độc đáo, trong đó có nhiều bức ảnh chụp lúc trường còn mang tên Collège Le Myre de Vilers.

Ấn tượng nhất là "Tiền vãng đường" được lập trước năm 1931 - nơi thờ phượng và ghi ơn những thầy cô đã từng làm việc tại trường, bao gồm ban giám hiệu và hiệu trưởng qua các thời kỳ kể từ năm 1881. Trong đó có các vị hiệu trưởng người Pháp như: Alfred André (1881 - 1885), Émile Joseph Roucoules (1885 - 1887), Louis Ferru (1888 - 1889)… và vị hiệu trưởng người Việt đầu tiên là ông Nguyễn Thành Giung (1942 - 1945).

Trường xưa ở Nam kỳ lục tỉnh: Ngôi trường qua 3 thế kỷ

Tiền vãng đường

ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Đặc biệt là bàn thờ bà Bosson, người trước khi mất có nguyện vọng để lại di cốt làm tiêu bản cho học sinh học tập, hiện vẫn còn được bảo quản trong tủ kính. Hằng năm, vào ngày 22 tháng chạp, nhà trường tổ chức lễ tưởng niệm rất trang trọng theo nghi thức truyền thống với tinh thần tôn sư trọng đạo.

Nhà truyền thống của trường còn lưu giữ nhiều hiện vật như bảng lương thầy cô, sổ điểm, hồ sơ, học bạ của học sinh và rất nhiều hình ảnh các cựu học sinh tiêu biểu, thành đạt, các nhân vật nổi tiếng từng học dưới mái trường, như: giáo sư Nguyễn Văn Hưởng, tiến sĩ Nguyễn Duy Cương, giáo sư Trương Công Trung, luật sư Trần Công Tường, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, giáo sư Trần Đại Nghĩa… Trong danh sách những học trò xuất sắc của Collège de Mytho còn có soạn giả cải lương Năm Châu, nhà văn Hồ Biểu Chánh, chí sĩ Nguyễn An Ninh, quái kiệt Trần Văn Trạch, nhà công kỹ nghệ gia nổi tiếng Trương Văn Bền, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phi công Nguyễn Thành Trung…

Ở nhà truyền thống Trường Nguyễn Đình Chiểu còn có khu vực dành riêng để trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng, người học trò xuất sắc, từng là bí thư chi bộ đầu tiên của trường dưới tên Phạm Văn Thiện.

Theo Province de Mytho năm 1937, trong số những nhân vật nổi tiếng từng dạy tại Collège de Mytho có ông Nguyễn Văn Tâm, là cha của học giả Nguyễn Duy Cần, từng làm Thanh tra giáo dục Mỹ Tho và được phong hàm đốc phủ sứ; ông Trịnh Hoài Nghĩa, cháu Trịnh Hoài Đức, dạy Việt văn và làm thơ nổi tiếng thời bấy giờ; ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ nhà xuất bản Ánh Sáng; ông Lê Văn Văng, giám đốc nhà xuất bản Tân Việt; và cựu Thủ tướng VNCH Trần Văn Hương, thầy của tướng Dương Văn Minh.

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh