Trong bối cảnh Bắc Ninh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nhân, doanh nghiệp huyện Yên Phong luôn là lực lượng tiên phong của sự đổi mới và khát vọng vươn xa.
Góp phần thay đổi quê hương
Ông Nguyễn Thụ Đoàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Yên Phong cho biết, Hội được thành lập với mục tiêu gắn kết các doanh nghiệp trong huyện, tạo môi trường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Đến nay, Hội đã quy tụ 105 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại đến nông nghiệp hiện đại và vẫn đang tiếp tục kết nạp thêm Hội viên. Đáng chú ý, Hội đã có “mạng lưới” doanh nghiệp tại tất cả 14 xã/ thị trấn trên địa bàn huyện, củng cố vững chắc tinh thần hợp tác, đoàn kết, phát triển. Hội Doanh nghiệp huyện Yên Phong được đánh giá là tổ chức Hội có tốc độ phát triển nhanh và năng động hàng đầu tại tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trong Hội không chỉ nỗ lực phát triển kinh doanh mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Phong.
Trong quá trình hoạt động, Hội đã thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền; giúp đỡ các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo ông Nguyễn Thụ Đoàn, cùng với các giải pháp của Trung ương, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý, giảm tiền thuê đất, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển công nghiệp; khuyến khích hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai; xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp...
Hội thường xuyên gắn kết với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong, tổ chức các cuộc đối thoại để phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nhà nước có những biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp.
Không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, Hội Doanh nghiệp NVV huyện Yên Phong còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hằng năm, hội tổ chức các chương trình như trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
“Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm, Hội Doanh nghiệp Yên Phong đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các doanh nghiệp không chỉ là động lực phát triển mà còn là những người con yêu quê hương, luôn nỗ lực vì một Yên Phong thịnh vượng và đáng sống”, ông Nguyễn Thụ Đoàn chia sẻ.
Tiếng nói từ doanh nghiệp
ÔNG NGUYỄN THỤ ĐOÀN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH MINH ĐẠI
Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội Doanh nghiệp
Hội Doanh nghiệp huyện Yên Phong mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét và hỗ trợ cân đối nguồn lực để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội doanh nghiệp huyện. Theo đó, Hiệp hội tạo điều kiện kết nối với các nguồn tài trợ, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và các chương trình xúc tiến thương mại nhằm tăng cường tiềm lực tài chính cho các hoạt động của Hội.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội và Hội Doanh nghiệp Yên Phong trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực quản lý và khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp thành viên. Việc cân đối và hỗ trợ nguồn lực không chỉ giúp Hội Doanh nghiệp Yên Phong hoạt động hiệu quả hơn mà còn góp phần xây dựng mạng lưới doanh nghiệp vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Bắc Ninh.
ÔNG NGUYỄN VĂN ĐỈNH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI DOANH NGHIỆP, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THỨC ĂN CHĂN NUÔI BÌNH MINH GROUP:
Hỗ trợ tiếp cận tín dụng
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi, phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng xem xét và triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải ngân để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn kịp thời; cơ chế lãi suất linh hoạt hơn, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản.
Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng cần phát triển các gói vay tín chấp thay vì chỉ tập trung vào các khoản vay thế chấp như hiện nay. Hình thức vay tín chấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ không phải đối mặt với rào cản về tài sản đảm bảo (thay vào đó là đánh giá uy tín tín dụng, hiệu quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp). Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó nhanh chóng triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh.
ÔNG NGUYỄN SỸ TRƯỜNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG, THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ THỂ THAO LINH SƠN
Nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức pháp luật trong sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Việc tuân thủ đúng các quy định pháp luật về lao động, thuế, bảo vệ môi trường,… không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý mà còn tạo dựng uy tín, niềm tin với đối tác và khách hàng.
Để đạt được điều này, doanh nghiệp nên chủ động tham gia các khóa đào tạo, hội thảo pháp lý do các hiệp hội, cơ quan quản lý tổ chức. Ngoài ra, việc am hiểu pháp luật còn giúp doanh nghiệp tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tối ưu hóa các nguồn lực và cơ hội phát triển. Đây chính là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Hội Doanh nghiệp không chỉ là nơi kết nối mà còn là "ngôi nhà chung" dành cho cộng đồng doanh nghiệp, mang đến nhiều lợi ích thiết thực trong hành trình phát triển và hội nhập kinh tế. Tham gia hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với các thành viên khác, từ đó xây dựng mạng lưới hợp tác bền vững, gia tăng cơ hội mở rộng thị trường.
Ngoài ra, khi tham gia hội, doanh nghiệp được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại và tham gia vào các sự kiện triển lãm, quảng bá sản phẩm. Hội cũng đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp phản ánh khó khăn, kiến nghị chính sách, từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠI, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG BẢO HƯNG LONG
Hỗ trợ quỹ đất, ổn định giá vật liệu xây dựng
Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận quỹ đất công nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất. Việc cung cấp đất sản xuất với giá hợp lý và thủ tục hành chính đơn giản sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu và dễ dàng triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khi đất đai được cấp với cơ chế ưu đãi, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ và mở rộng thị trường.
Ngoài ra, đơn giá vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong chi phí đầu vào của các doanh nghiệp ngành xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động có lãi và phát triển bền vững. Vì vậy, cần có sự điều tiết ổn định từ phía Nhà nước để giảm thiểu các biến động bất lợi về giá cả, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay.
Doanh nghiệp cho rằng Nhà nước nên thực hiện quyết liệt các chính sách kiểm soát giá cả, giám sát chặt chẽ nguồn cung, hạn chế đầu cơ, tích trữ gây khan hiếm hàng hóa “ảo”. Đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ giảm thuế, phí liên quan đến vật liệu xây dựng để giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...